ThienNhien.Net – Nhà máy tái chế nhựa ở thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nhiều năm liền gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý, gây bức xúc cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Nhà máy tái chế nhựa đưa vào hoạt động từ năm 2007 đến nay, mỗi ngày sản xuất trên 1 tấn hạt nhựa từ bao bì tái chế. Nhà máy có cả hệ thống máy giặt, băm, nấu nhựa, hoạt động 24/24 giờ, nhất là vào lúc 18 giờ hàng ngày, đơn vị triển khai nấu nhựa nên mùi khét loan toả ra khắp cả vùng.
Theo phản ảnh của đồng bào các dân tộc ở thôn Nghĩa Lập, mùi hôi của nhựa bay khắp vùng, đồng bào phải đóng cửa suốt ngày đêm, các hồ, giếng nước đều đổi màu, nhiễm bẩn. Thậm chí, nhiều hộ gia đình sống gần nhà máy, lúc ngủ cũng phải mang…khẩu trang.
Theo ông Trần Hữu Thái, Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Krông Pắk, nhà máy cũng có ống khói nhưng chỉ cao có 5 mét, thấp hơn quy định 7 mét, nước thải xử lý chưa triệt để nhưng vẫn thải trực tiếp ra đồng ruộng. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý phạt hành chính.
Thiết nghĩ, huyện Krông Pắk cần có biện pháp xử lý thích đáng để doanh nghiệp đầu tư các trang thiết bị hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và nhà máy tái chế nhựa ở thôn Nghĩa Lập nói riêng vào các điểm quy hoạch, cụm công nghiệp để tránh ô nhiễm môi trường cho các khu, cụm dân cư trên địa bàn.