ThienNhien.Net – Sáng 17/8, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt nam đã tổ chức Hội nghị Đánh giá hiện trạng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng đá hoa trắng ở Việt Nam và định hướng phát triển.
Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đá hoa (đá vôi trắng) là khoáng sản được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả điều tra, thăm dò địa chất cho thấy, đá hoa phân bố khá rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam song tập trung trữ lượng lớn tại một số địa phương như Yên Bái, Nghệ An, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang.
Theo thống kê, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản khai thác đá hoa, hiện có 97 Giấy phép hoạt động khoáng sản dạng này đang hoạt động, trong đó có 47 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự báo 177,7 triệu m3 đá ốp lát, 624 triệu tấn đá bột và 50 giấy phép khai thác với trữ lượng đã cấp phép là 161 triệu m3 đá làm ốp lát, 428 triệu tấn đá làm bộ carbonat canxi; công suất khai thác hàng năm đối với đá ốp lát là 5,8 triệu m3 và 16 triệu tấn đá bột, vượt gấp nhiều lần sản lượng theo dự kiến Quy hoạch.
Hoạt động khai thác, chế biến đá hoa tại các địa phương đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo được việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện ngành công nghiệp khai thác đá hoa trắng còn gặp phải không ít khó khăn khi thiếu chế tài chặt chẽ đối với việc hành nghề thăm dò khoáng sản dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân thiếu năng lực và kinh nghiệm vẫn được thuê thăm dò…
Do đó, nhiều mỏ khi đi vào khai thác không như kết quả đánh giá trữ lượng dẫn tới chủ đầu tư thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả, gây hiện tượng khai thác tràn lan, lãng phí tài nguyên, tranh giành diện tích, mất an ninh trật tự và đặc biệt ảnh hưởng lớn tới cảnh quan môi trường và cơ sở hạ tầng. Số lượng cơ sở chế biến đá hoa khá lớn, tuy nhiên lại có quy mô nhỏ, phân tán, thiết bị công nghệ lạc hậu nên sử dụng chưa hợp lý tài nguyên.
Tại các mỏ khai thác làm đá ốp lát, thực tế chỉ thu hồi được 20 – 30 % khối lượng đá thành phẩm, còn lại 70 – 80% chưa có nhu cầu sử dụng, phải để lại tại các mỏ cho thấy sự lãng phí lớn và là nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, mất an toàn trong khai thác; số lượng Giấy phép hoạt động khoáng sản khá lớn trong khi lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước và khoáng sản ít, việc kiểm tra, thanh tra sau cấp phép chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật chưa đủ mạnh…
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, để ngành công nghiệp khai thác đá hoa của chúng ta thực sự phát triển, tránh lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất thiết cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm hơn của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan tư vấn, chỉ định cho doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ. Về phía các doanh nghiệp, cần có sự liên doanh, liên kết, tránh tình trạng mạnh ai người nấy làm như hiện nay dẫn tới sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp cần bàn bạc đưa ra chuỗi những sản phẩm từ việc khai thác đá trắng, dựa vào thế mạnh của từng đơn vị để khai thác có hiệu quả (có thể dựa vào việc thành lập Hiệp hội đá hoa). Có như vậy, mới gây dựng được những thương hiệu mạnh từ sản phẩm đá hoa trắng Việt Nam. Đối với đá nguyên khối hiện đã cấm xuất khẩu, cần tìm hướng đi mới, thị trường mới từ việc chế tác đá hoa nguyên khối thành các sản phẩm có giá trị cao về kinh tế và mỹ thuật. Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị lần này cũng là dịp để các doanh nghiệp đề xuất những vướng mắc về cơ chế chính sách để Bộ TN&MT tiếp tục trình Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế đất nước.