ThienNhien.Net – Suốt nhiều năm qua, người dân xóm Nà Đoỏng, xã Duyệt Trung thị xã Cao Bằng (Cao Bằng) luôn phải sống trong tâm trạng hoảng loạn, chỉ vì mìn tại mỏ đá của Công ty Cổ phần xi măng Cao Bằng cứ nổ đùng đoàng như đánh trận, dân chẳng biết gọi ai giúp đỡ, mà chỉ biết “cầu trời khấn phật” mong sao mình được bình an.
Lần theo thông tin của bạn đọc, chúng tôi đến Nà Đoỏng xã Duyệt Trung thị xã Cao Bằng. Con đường vào xóm Nà Đoỏng trơn trượt vì trời mưa rả rích do ảnh hưởng của cơn bão số 4. Lối rẽ phải đi vào mỏ đá của Công ty CP xi măng Cao Bằng thì nhiều ổ gà, ổ voi ngập nước. Thấy xe ô tô của người lạ xuất hiện, một thanh niên đi xe máy SH cứ bám theo. Khi chúng tôi đưa máy ảnh chụp hình khu ruộng lúa và bãi sỏi đá chảy xuống ruộng, ngay lập tức anh ta cất giọng dằn mặt: “Chúng mày thích chụp ảnh lắm phải không, cút mau ra khỏi chỗ này nghe rõ chưa, bố lệnh cho lính nổ mìn cho chúng mày chết toi bây giờ…”.
Nghe thấy tên côn đồ nói vậy, mấy bác nông dân gần đó bảo chúng tôi rằng đó là “cai” mỏ đá. Một bác nông dân đang làm dưới ruộng nói với lên: “Họ không thích nhà báo đến gặp dân, các anh nhanh mà rút khỏi khu này, nếu không sẽ gặp phức tạp đấy!”. Đúng như dự tính, tên kia chỉ lên đến mỏ một lúc là có tiếng tri hô “nổ mình đấy, chạy mau lên”. Bà con dưới ruộng nghe vậy là cùng chạy toán loạn, chúng tôi cũng nhanh chóng tấp vào nhà ông Lý Văn Noọng để lánh nạn. Sau một hồi mìn nổ vang trời, mọi người lại từ các nhà dân quanh khu ruộng gọi nhau ra đồng.
Thấy khách bất đắc dĩ chạy vào nhà, ông Lý Văn Noọng đã pha trà mời khách, qua câu chuyện, ông cho biết: Mỏ đá này là của Công ty cổ phần xi măng Cao Bằng, đã khai thác đá ở đây hơn 10 năm rồi. Từ ngày khai thác mỏ đá, xóm Nà Đoỏng như sống trong thời chiến tranh. Mỏ đá nổ mìn chẳng theo qui định nào, họ thích nổ lúc nào cũng được. Trước khi nổ mìn, công nhân của mỏ đá chỉ tri hô là “chú ý chú ý… sắp nổ mìn đấy, ai ở ngoài đồng, dưới ruộng chạy nhanh”, có ngày cùng với lời tri hô, là tiếng còi báo động kêu inh ỏi, ai làm dưới khu ruộng này cũng nghe được tiếng còi rú, họ biết là mỏ đá sắp nổ mìn, nên có ở dưới ruộng cũng phải nhanh chóng chạy vào nhà ai đó gần nhất trú ẩn, khi nào hết tiếng nổ mìn lại ra đồng làm.
Ông Noọng cứ thủng thẳng nói rằng, năm 1979 giặc phương bắc đánh chiếm thị xã Cao Bằng ác liệt là thế, nhưng ông và người dân nơi đây không hề lo sợ như những loạt mìn khai thác đá của Công ty CP Xi măng Cao Bằng. Vì nó cứ dai dẳng ì ùng ngày này qua ngày khác hàng chục năm qua, lúc nào đá bắn xa thì rơi vãi khắp đồng ruộng và khu nhà ông thì thường xuyên bị đá sỏi bay đến, có lần rơi khắp nhà như mưa đá.
Căn nhà ông mới lợp được 6 tháng đã hai lần bị vỡ tấm lợp, một lần gần đây nhất là một hòn đá to bằng cái ấm nước trúng mái nhà, tấm lợp vỡ tanh bành, hòn đá rơi xuống bàn uống nước, cũng may không ai bị thương. Qua lần đó, mỗi khi có còi báo động, mìn chưa nổ thì người ông cứ run lên bần bật. Đã vậy, mỏ đá lại nổ mìn chẳng theo một quy luật nhất định. Có khi chỉ trong một buổi sáng họ có thể rú còi báo động nổ mìn từ 2 đến 3 lượt. Sau mỗi lần đinh tai nhức óc, mùi khói thuốc cứ khét lẹt bay tỏa khắp khu dân cư làm cho người già, trẻ em ho sặc sụa…
Còn chị Nông Thị Danh thôn Nà Đoỏng, trong lúc cùng trú ẩn tại nhà ông Lý Văn Noọng nghe câu chuyện của ông Noọng kể, mắt cứ đỏ hoe vì uất ức, cũng cho biết thêm: “Nhà tôi có 1.000 m2 đất ruộng 2 vụ lúa, nhưng từ năm 1997, mỏ sắt Nà Lũng đổ đất ở phía trên thung lũng chắn nguồn nước, mỗi lần mưa thì đất đỏ tràn xuống vùi lên trên đất màu khoảng 40 cm, nên rất khó trồng cấy, còn bây giờ lại có thêm đất lẫn đá sỏi nhỏ của mỏ đá cũng tràn xuống càng làm đất bị chai cứng, cây lúa bị bó chân, ruộng lại chỉ cấy được một vụ, năng suất năm nào cũng mất thu hoạch quá một nửa, có vụ thì mất trắng, cho nên quanh năm thiếu gạo ăn. Nhiều lúc bực tức, tôi đã kiến nghị lên Mỏ và lên cả xã Duyệt Trung nữa, nhưng chẳng ai đến giải quyết. Bây giờ cả hai vợ chồng tôi phải đi làm thuê quanh năm cũng chẳng đủ cho 5 miệng ăn, nghĩ mà cực khổ quá. Tất cả chỉ tại mỏ đá, mỏ sắt này gây nên thôi..”
Sau loạt tiếng nổ phá đá vang trời vừa chấm dứt, lúc đó mới khoảng 10 giờ sáng, nên mọi người lại tranh thủ í ới gọi nhau ra ruộng. Chúng tôi lại theo bà con ra đồng, lội qua những đám ruộng bỏ hoang hóa ngay dưới chân mỏ đá, đến xem thực tế những nơi đất đỏ, đá sỏi tràn xuống ruộng.
Bà Vương Thị Đào chỉ cho chúng tôi về mấy đám ruộng đã bị bãi sỏi trắng toát của mỏ đá trôi xuống, phủ kín không thể trồng lúa được đã mấy năm nay, giờ cỏ dại mọc hoang hóa như đất đồi. Bà Đào phân trần: “Ruộng nhà tôi bị đá lấp, đến bảo mỏ đá đào lên để trả lại mặt bằng, thì họ bảo là đất đá này là của mỏ sắt, họ cứ đổ lỗi cho nhau như thế, ruộng đất thì hỏng mấy năm rồi cũng chẳng ai đền bù, kêu lên xã cũng chẳng ai đến giải quyết, nên đành bỏ ruộng hoang hóa cho cỏ mọc”. Ruộng nhà bà Đào cũng chung cảnh bị đá vùi lấp như nhiều hộ dân khác, đến nay vẫn không thể trồng cấy.
Trong câu chuyện của mình, ông Triệu Đức Lợi xóm Nà Đoỏng cho biết: “Ngày mỏ sắt Nà Lũng mới vào đền bù đất lúa, màu của người dân, họ đã cho xóm Nà Đoỏng 25 người bị mất đất sản xuất được vào làm công nhân khai thác quặng, bây giờ họ lại gọi tôi với tất cả lên mỏ để chấm dứt Hợp đồng lao động và trả lại sổ Bảo hiển xã hội, mọi người của xóm này đã được nghỉ việc nên đang lo lắng, vì chẳng biết mai mốt làm gì để có gạo ăn ổn định”.
Những người đi vào mỏ làm công nhân cũng chẳng khấm khá, thế nhưng cũng còn có gạo bỏ vào nồi. Bây giờ nghĩ lại, họ thấy quá dại dột, vì về nhà thì ruộng đất không còn nữa, nghề nghiệp cũng chẳng có gì ngoài đào quặng thuê. Còn mấy đám ruộng không có quặng thì mỏ không thu hồi đền bù nên cứ bỏ đó, sau mấy năm đi làm công nhân, nay trở về thì đất, sỏi mỏ đá của Công ty xi măng Cao Bằng đã tràn xuống lấp hết rồi, chẳng biết làm gì có tiền ăn. Ông Lợi cũng như những người công nhân khác đều dạt đi làm thuê mướn kiếm gạo nuôi con ăn qua ngày, nghĩ đến tương lai mọi người cảm thấy cuộc đời mình thật mù mịt và cơ cực.
Khi chúng tôi đem câu chuyện bức xúc của người dân Nà Đoỏng đến trao đổi với bà La Thị Phương – Chủ tịch UBND xã Duyệt Trung, thì bà Phương vẫn chối quanh và cho rằng: “Tôi chưa nghe thấy ai phản ánh việc mỏ đá nổ mìn làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân” .
Tuy nhiên, bà Phương cũng thừa nhận là cự li nơi nổ mìn của mỏ đá cũng rất gần với nhà dân, nên không an toàn. Còn việc mỏ đá nổ mìn một ngày mấy lần, nổ thế nào bà không cần biết vì chuyên môn là thuộc mỏ đá và Công ty CP xi măng Cao Bằng, địa phương chỉ quản lý hành chính nên không thể can thiệp vào hoạt động của mỏ. Chúng tôi tìm đến Nhà máy xi măng Cao Bằng, gặp ông Đinh Văn Hoàn – Giám đốc cũng nói giống như bà Chủ tịch xã Duyệt Trung là “tôi không nghe thấy ai phản ánh” và từ chối làm việc.