ThienNhien.Net – Kể từ cuối năm 2011 đến nay, nạn phá rừng, đào quặng thiếc trái phép diễn ra tại xã Khánh Phú, rồi lan sang xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) tạo thành điểm nóng về tình hình an ninh, trật tự xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong khu vực.
Mặc dù các ngành chức năng huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức nhiều đợt truy quét, nhưng sau các đợt đó, tình hình lại tái diễn và trở nên phức tạp hơn.
Nguyên nhân là do giá trị quặng thiếc khá cao, khai thác đem lại một khoản siêu lợi nhuận. Mỗi kg thiếc bán tại bìa rừng khoảng 200- 250 kg, nếu sau đó chuyển lên địa phận tỉnh Lâm Đồng, sẽ nhảy vọt lên 300 nghìn và lọt đến thành phố Hồ Chí Minh, giá trị được tăng gấp đôi hoặc hơn.
Một số người làm công cho các chủ nậu khai thác và thu mua thiếc trái phép cho biết, nếu ai chưa đủ sức ra “làm ăn riêng”, thì phải làm công với số tiền được trả có thể đạt 1 triệu đồng/ ngày.
Tại thời điểm này, trên các tiểu khu 205 và 193 thuộc xã Khánh Thành và Khánh Phú hàng trăm “thiếc tặc” ngang nhiên đào hầm khai thác, đãi quặng và vận chuyển “sản phẩm” đến nơi tập kết. Cảnh rừng cây tan hoang hiện hữu khắp nơi. Chưa thể xác định được, nhưng diện tích rừng bị tàn phá hẳn lên đến chục, hàng trăm ha. Nghiêm trọng hơn, các đầu nậu khai thác và thu mua đã tiến hành cát cứ, hình thành những lãnh địa riêng biệt cho mình, và sử dụng cả vũ khí là súng tự tạo để thể hiện quyền lực, bảo kê và tranh giành địa bàn.
Không chỉ ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi khoáng sản và diện tích rừng bị tàn phá, việc khai thác thiếc trái phép còn bị bọn thiếc tặc sử dụng nguồn nước trên các con suối, sông trong khu vực để đãi quặng, gây ô nhiễm nặng nề các con sông Khế, sông Cầu, vốn là nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.
Chỉ tính riêng trong một đợt truy quét vào hồi đầu tháng 7 vừa qua, các lực lượng chức năng huyện Khánh Vĩnh đã tháo dỡ 65 lán trại, thu giữ 24 xe máy và nhiều phương tiện phục vụ khai thác quặng, như máy bơm, cưa lốc… Tuy nhiên, sau thời gian tạm lánh, bọn thiếc tặc đã trở lại.
Tháng 7 vừa qua, từ đề xuất của hai xã Khánh Phú và Khánh Thành, UBND huyện Khánh Vĩnh đã lên một kế hoạch toàn diện cho truy quét lâu dài với hy vọng có thể dẹp bỏ hẳn vấn nạn khai thác quặng thiếc trái phép. Theo đó từ tháng 7 đến hết tháng 12/ 2012, huyện sẽ tổ chức 10 đợt truy quét tại mỗi xã, với mỗi đợt kéo dài từ 5- 7 ngày. Trong các đợt truy quét, hai xã ra quân cùng một ngày để tạo khí thế chung và dễ dàng hỗ trợ cho nhau. Huyện Khánh Vĩnh tạm ứng kinh phí từ ngân sách để các địa phương chủ động nguồn kinh phí thực hiện. UBND huyện Khánh Vĩnh đã yêu cầu lực lượng Công an huyện, Bộ chỉ huy quân sự huyện và chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên lâm sản Khánh Hòa có sự hỗ trợ trong các chiến dịch trên.
Song ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Công an xã Khánh Thành cho rằng, việc truy quét từng đợt như hiện nay chưa mang lại hiệu quả, do địa bàn khá rộng, bọn thiếc tặc lại khá manh động, sau mỗi đợt truy đuổi, mọi việc lại đâu vào đấy.
Theo Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Khánh Hòa, vấn nạn trên đã trở nên “đặc biệt”, dễ dẫn đến nguy cơ xâm hại rừng với quy mô lớn, gây khả năng cháy rừng, khi có một lượng lớn người tham gia đào, đãi khoáng sản trái phép và ăn ở luôn trong rừng.
Thiết nghĩ, tỉnh Khánh Hòa cần đề ra những biện pháp mạnh hơn, huy động thêm các lực lượng chức năng, kể cả Công an và quân đội vào cuộc, chứ không thể giao cho huyện Khánh Vĩnh tự thân lo liệu, khi tình hình khai thác thiếc trái phép đã vào giai đoạn “dầu sôi, lửa bỏng” như hiện nay.