ThienNhien.Net – Ngày 16/8, Đoàn công tác của Bộ TN&MT do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn về công tác quản lý TN&MT trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ công tác cấp Giấy CNQSDĐ, đến nay, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011 – 2012 của Bắc Kạn được triển khai đồng bộ ở 3 cấp. Công tác đo đạc bản đồ địa chính đã hoàn thành 100 xã/122 xã, phường, thị trấn. Hiện, công tác cấp GCNQSDĐ đã cấp được 239.005 giấy, diện tích 223.716 ha, đạt trên 70% diện tích các loại đất cho các chủ sử dụng đất (đất nông nghiệp đạt 98,4%).
Bắc Kạn có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhưng ở dạng phân tán, nhỏ lẻ. Theo tài liệu điều tra đánh giá, Bắc Kạn hiện có khoảng 273 điểm mỏ và điểm quặng với 24 loại khoáng sản, trong đó khoáng sản có tiềm năng như: Chì, kẽm, sắt, vàng, vật liệu xây dựng… Tổng trữ lượng tài nguyên chì kẽm khoảng 2 triệu tấn, trữ lượng sắt khoảng 20 triệu tấn. Hiện nay, trên địa bàn có 46 giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, 4 doanh nghiệp thực hiện chế biến và 3 nhà máy chế biến khoáng sản đang trong giai đoạn thi công xây dựng (Nhà máy sắt xốp của Matexim; Nhà máy điện phân chì – kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh; Nhà máy luyện gang thép KCB Thanh Bình). Những năm gần đây, hoạt động khoáng sản đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng trên 71 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hoàng Ngọc Đường, mặc dù hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn không ít những vướng mắc như: Thiếu tài liệu điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản; kinh phí thực hiện công tác điều tra, thăm dò còn hạn chế; các doanh nghiệp hoạt động phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực hạn chế, một số doanh nghiệp chưa đảm bảo công tác BVMT; đóng góp cho ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng khoáng sản; hoạt động khoáng sản trái phép vẫn tồn tại, nhất là khai thác vàng hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chặn đứng.
Nổi bật trong lĩnh vực quản lý môi trường tại Bắc Kạn là 4 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 đã được xử lý triệt để. Hiện nay, tỉnh không còn cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh. Ý thức của người dân và doanh nghiệp đối với công tác BVMT ngày càng được nâng cao; các tổ chức và cá nhân trên địa bàn đều phải thực hiện báo cáo ĐTM hoặc Bản cam kết BVTM…
Liên quan đến những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý TN&MT, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường đã bày tỏ những kiến nghị của tỉnh với Bộ TN&MT nhằm tháo gỡ những khó khăn cho địa phương. Trong đó, đề xuất Bộ sớm phê duyệt và công bố các khu vực khoáng sản nhỏ lẻ để địa phương có cơ sở lập quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh để có cơ sở quản lý, cấp phép đảm bảo hoạt động khoáng sản có hiệu quả. Bí thư Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Bộ quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tỉnh hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính gắn với cấp Giấy CNQSD đất và hoàn thiện dự án tổng thể Cơ sở dữ liệu địa chính đúng kế hoạch; xây dựng một số trạm quan trắc trên địa bàn, xây dựng nhà máy xử lý rác thải…
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị tỉnh nhanh chóng hoàn thiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015), trình Chính phủ xét duyệt; khai thác sử dụng hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó tập trung khai thác hai loại khoáng sản tiềm năng là chì – kẽm và sắt, tập trung đi vào chế biến sâu khoáng sản.
Ngoài một số nội dung nổi bật, các vấn đề về nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học; phát triển du lịch sinh thái; bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn sông Cầu; công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước; công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là chống lũ, sạt lở, ứng phó với BĐKH… cũng đã được đề cập.