ThienNhien.Net – Ngày 15/08/2012 vừa qua, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo: “Xây dựng năng lực về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích” nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan về các khái niệm trong Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS), vai trò của ABS trong bảo tồn đa dạng sinh học, sinh kế bền vững và giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Geoff Burton, chuyên gia đến từ Đại học Liên hợp quốc đã trình bày về một số mô hình ABS mà Việt Nam có thể học hỏi.
Việt Nam sở hữu nguồn gen đa dạng và độc đáo, nhưng do trình độ dân trí chưa cao, chưa nhận thức được đầy đủ các giá trị nguồn tài nguyên đang nắm giữ, dẫn tới quyền lợi của cộng đồng đối với nguồn gen bị xâm phạm. Trong khi đó, người đi khai thác nguồn gen cũng không ý thức được trách nhiệm chia sẻ lợi ích với bên cung cấp tài nguyên.
Việc tham gia Nghị định thư Nagoya về ABS sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng về giá trị, lợi ích của nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen nói riêng và tầm quan trọng phải bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, từ đó phát huy các chính sách pháp luật quốc gia đối với vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
Ngoài ra, việc tham gia Nghị định thư sẽ tạo cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích công bằng của người cung cấp nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen trong quá trình phát triển thị trường về ABS.
Khung khu vực ASEAN về ABS cũng được bà Ana Maria Tolentino, đến từ Trung tâm Đa dạng sinh học của Đông Nam Á (ABS) giới thiệu tại hội thảo. Hiện tại đã có 4 quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam chuẩn bị ký kết Khung khu vực ASEAN về ABS, chỉ cần 2 quốc gia nữa đồng thuận, hiệp định Nagoya khu vực ASEAN sẽ chính thức có hiệu lực.
Tổng cục Môi trường hiện đang là đầu mối giúp việc cho Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc nghiên cứu, đề xuất tham gia Nghị định thư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2012.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia bằng việc thông qua một số chính sách, chủ trương và kế hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn nguồn gen nói riêng như Luật Thủy sản (2003), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật Bảo vệ môi trường (2005) và gần đây nhất là Luật Đa dạng sinh học (2008) và các Chương trình, Kế hoạch hành động ưu tiên nhằm bảo tồn nguồn gen. |