ThienNhien-Net – Hội thảo “Xóa tan màn sương – Những điều cần biết về thực phẩm và nông nghiệp biến đổi gen” do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phối hợp tổ chức đã diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/8/2012 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của hai diễn giả: Tiến sỹ Michael Hansen (Hiệp hội Người tiêu dùng Hoa Kỳ) và Bà Clare Westwood (Chuyên gia cao cấp mạng lưới Hành động về Thuốc trừ sâu Châu Á Thái Bình Dương). Tại Hội thảo các diễn giả đã cập nhật thông tin từ các nghiên cứu mới nhất về cây trồng biến đổi gen và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự cũng như người dân trên thế giới về các chính sách liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm biến đổi gen.
Theo đó, các diễn giả cho biết, các loại cây trồng biến đổi gen tưởng chừng mang nhiều tính trạng đáng mơ ước như năng suất cao, tính chống chịu tốt, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng và cứu sống hàng triệu trẻ em nghèo… song thực tế cho thấy rằng đó chỉ là những chiêu quảng cáo của các tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất giống cây trồng.
Các nghiên cứu ở nhiều nơi (Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp,…) đã chỉ ra nhiều nhược điểm của cây trồng biến đổi gen như năng suất không ổn định, thúc đẩy sự phát triển của sâu/bệnh hại thứ cấp, đe dọa đa dạng sinh học, chưa kể đến giá hạt giống cao (thường gấp 3 lần giá hạt giống bình thường)… 10 năm trở lại đây, y văn ghi nhận nhiều trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh do sản phụ tiếp xúc với cây trồng biến đổi gen (thông qua các hoạt động sản xuất) hoặc ăn các loại thực phẩm có thành phần từ các sản phẩm biến đổi gen. Điều này đã phủ nhận lời khẳng định của các công ty xuyên quốc gia rằng thực phẩm biến đổi gen an toàn với sức khỏe của động vật bậc cao.
Bên cạnh các bằng chứng khoa học, những bài học kinh nghiệm từ việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở các nước đi trước cũng đáng để cho Việt Nam xem xét. Hàng trăm ngàn nông dân Ấn Độ tự sát vì ngập trong nợ nần sau vụ mùa thất bát do cây trồng biến đổi gen không thích nghi được với sự khắc nghiệt của môi trường (như quảng cáo). Thoạt đầu, Chính phủ nước này chưa có cái nhìn đúng đắn về vấn đề, và vẫn tiếp tục phê duyệt cho thử nghiệm trồng cây biến đổi gen trên diện rộng. Để tự cứu lấy mình, người dân đã dùng nhiều biện pháp linh hoạt để thuyết phục các nhà lãnh đạo trong 10 năm trời. Hiện chính phủ Ấn Độ đã nói không với cây trồng biến đổi gen.
Thông qua hội thảo này, các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức dân sự xã hội trong việc định hướng cho người tiêu dùng và tư vấn cho chính phủ về các chính sách liên quan đến việc phát triển cây trồng biến đổi gen.