ThienNhien.Net – Trong khuôn khổ Chương trình đánh giá tác động của các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, ngày 14/08/2012, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mê Kông và đập thủy điện” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, luật sư trong và ngoài nước.
Việt Nam đang chia sẻ tài nguyên nước với 5 quốc gia trong khu vực là Trung Quốc (các sông: Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng và Mê Kông), Myanma (sông Mê Kông), Lào (các sông: Mê Kông, Hồng, Mã và Cả), Thái Lan (sông Mê Kông), Campuchia (các sông: Mê Kông, Vàm Cỏ và Đồng Nai), trong đó Việt Nam nằm ở cuối nguồn của hầu hết các hệ thống sông liên quốc gia. Trên hệ thống sông Mê Kông, việc phát triển thủy điện đang khá sôi động, phần thượng lưu sẽ có khoảng 8-15 công trình; hạ lưu sẽ có khoảng 12 công trình và dòng nhánh là 94 công trình.
Tại Hội thảo, TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ) nhận định, các đập thủy điện sẽ cung cấp nguồn điện để phát triển công nghiệp và dân dụng; kiểm soát lũ; tạo nguồn cấp nước, nuôi cá lòng hồ và tưới và phát thải surfur và nitrogen oxides ít hơn so với dùng nhiệt điện. Tuy nhiên, những gì chúng ta phải đánh đổi khi phát triển thủy điện sẽ là một diện tích đất rừng lớn, suy giảm đa dạng sinh học khu vực và nguy cơ vỡ đập sẽ trở thành thảm họa hủy diệt nhiều nhân mạng và tài sản; giảm phù sa, tăng xói lở ở hạ lưu, gây lầy hoá ở các vùng ven hồ chứa; giảm nguồn cá di cư; ngăn cản giao thông thủy, hạn chế vận tải hàng hóa…
Luật Nhân đạo quốc tế cũng đã xác định, đập nước là công trình chứa đựng các tác lực nguy hiểm khi xảy ra sự cố liên quan đến nhân mạng và môi trường. Từ những phân tích này, TS Lê Anh Tuấn khẳng định, chúng ta không hoàn toàn phản đối thủy điện nhưng khuyến cáo cần thận trọng và trách nhiệm trong quyết định xây dựng các đập thủy điện.
Còn TS Đào Trọng Tứ đến từ Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) nhận xét, các hoạt động phát triển liên quan đến tài nguyên nước của sông Mê Kông đến nay đều được thực hiện trên các dòng nhánh (trừ phần thượng nguồn sông Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc). Nhờ sự hợp tác các nước hạ lưu vực, đến nay cộng đồng các quốc gia ven sông đang được hưởng lợi từ nguồn nước sông Mê Kông. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại về tác động của việc xây dựng đập thủy điện trên hệ thống sông Mê Kông.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đã bàn thảo về những tác động đến nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh khu vực tại lưu vực sông Mê Công, vai trò của hệ thống phù sa sông Mê Công đối với sự ổn định sinh thái…