ThienNhien.Net – Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai do Bộ NN&PTNT soạn thảo, được thảo luận lần đầu tại phiên họp của UBTVQH sáng 14/8. Thảo luận về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng cần khẳng định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động này.
Theo số liệu thống kê, trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 – 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh và Nghị định nhằm điều chỉnh hoạt động phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai và đạt được nhiều thành quả nhất định. Tuy nhiên, hệ thống văn bản này còn quy định riêng lẻ các loại thiên tai, một số loại thiên tai như nắng nóng, rét đậm, rét hại chưa được văn bản nào quy định, việc tổ chức nguồn lực phòng, tránh còn hạn chế, chưa tương xứng…
Từ đòi hỏi của thực tế, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các thành viên UBTVQH nhất trí cần phải có một luật chung về phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và nhiều thành viên UBTVQH cho rằng cần khẳng định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đối phó với những tác động của tự nhiên.
“Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không thể chỉ “hỗ trợ” trong phòng, chống thiên tai, nhất là trong việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia phòng chống thiên tai”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nói.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng giảm nhẹ, phòng, tránh thiên tai là nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng phải có lực lượng nòng cốt là lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, do đó, dự Luật cần quy định cụ thể hơn nội dung này về vai trò của lực lượng vũ trang.
“Dự luật phải xác định vai trò người đứng đầu đối với tổ chức đối phó thiên tai. Hay người đứng đầu địa phương do không có kế hoạch, chu đáo, không cương quyết sơ tán nhân dân để thiệt hại thì trách nhiệm như thế nào?”, ông Nguyễn Kim Khoa nêu câu hỏi.
Cũng từ đó, các thành viên UBTVQH cũng đặt ra các vấn đề mà dự luật cần bổ sung như ai có thẩm quyền cung cấp thông tin khi xảy ra thiên tai, cá nhân nào ban bố tình trạng khẩn cấp, cơ chế phối hợp phòng, tránh, xử lý thiên tai của các cơ quan, địa phương như thế nào…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần quy định rõ ràng, chặt chẽ các chế tài để xử lý những sai phạm trong giảm nhẹ, phòng tránh thiên tai của các tổ chức, cá nhân.
Về một số nội dung khác, nhiều ý kiến của UBTVQH đồng tình với cơ quan soạn thảo cần lập Quỹ phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai để tổ chức, quản lý nguồn tiền hỗ trợ. Trong đó có một số loại phí mà các tổ chức, cá nhân phải đóng góp thì sẽ do Quốc hội quyết định mức này là bao nhiêu.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng quy định cụ thể hơn (thành một chương riêng) về hợp tác quốc tế trong hoạt động này hay việc thực hiện chính sách bảo hiểm phòng, tránh thiên tai vì hiện nay nước ta chưa có chính sách này.
Về tên gọi của Luật, UBTVQH quyết định sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận nên để là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai hay phòng, chống thiên tai hoặc ứng phó với thiên tai.