ThienNhien.Net – Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tác động của BĐKH đối với Việt Nam là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên nhiên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Đối mặt với những thách thức đó, Việt Nam đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong các chính sách, biện pháp tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH.
Theo Kịch bản cập nhật về biến đổi khí hậu, nước biển dâng Việt Nam của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình của Việt Nam sẽ tăng 2,3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa ở tất cả các vùng sẽ tăng khoảng 5% (lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm), mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 75 cm so với thời kỳ từ 1980 – 1999. |
Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp, từ ban hành chủ trương, chính sách, cơ chế đến thực thi các biện pháp công trình để giải quyết các vấn đề do BĐKH đặt ra. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có luật riêng về BĐKH. Các nội dung liên quan đến BĐKH mới chỉ được quy định rải rác, chưa có một Luật quy định toàn diện và những văn bản dưới luật quy định về vấn đề này làm cơ sở pháp lý để việc ứng phó với BĐKH có hiệu quả hơn.
Để khắc phục những khoảng trống trong hệ thống luật pháp về BĐKH, tháng 12/2011 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Tổ chức Luật Phát triển quốc tế (IDLO) đã ký thỏa thuận về việc thực hiện Chương trình: “Sáng kiến chuẩn bị pháp luật cho vấn đề BĐKH ở Việt Nam” (LPCCI). Trong khuôn khổ hợp tác này, hai bên sẽ phối hợp thực hiện các nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật, đề xuất và hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý cho BĐKH ở Việt Nam.
LPCCI là một phương pháp luận pháp lý để xác định các rào cản pháp lý, quản trị một cách có hệ thống và áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng hiệu quả hơn với BĐKH, giảm thiểu tác động của khí nhà kính thông qua việc tham gia vào các cơ chế tài chính khí hậu (CDM, REDD+), tiếp cận các nguồn kinh phí hỗ trợ BĐKH quốc tế (thị trường tự nguyện, ODA) và xây dựng, chia sẻ tri thức về BĐKH.
Phương pháp luận LPPCI sẽ đánh giá để xác định và đưa ra các khuyến nghị giúp vượt qua các rào cản pháp lý và thể chế bằng các báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng pháp lý (LPAR); tham vấn thu hút các bên liên quan nhằm xác định các ưu tiên cải cách pháp lý và thể chế, phù hợp với mục tiêu và chỉ tiêu BĐKH quốc gia; tổ chức các tổ công tác luật khí hậu cùng thiết kế các biện pháp cải cách pháp lý và thể chế với sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp luật; các hoạt động nâng cao, tăng cường năng lực pháp lý và thể chế của các bên tham gia nhằm thực hiện kế hoạch hành động cải cách pháp luật; nghiên cứu và phân tích pháp lý độc lập các đề xuất cải cách pháp luật khí hậu.
Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên thực hiện các dự án LPCCI. LPCCI Việt Nam được chính phủ định hướng và triển khai dưới hình thức các nhà nghiên cứu dự thảo văn bản pháp lý theo từng chuyên đề, tác giả của các báo cáo sẽ đánh giá mức độ sẵn sàng pháp lý dựa trên đầu vào là các văn bản pháp lý cùng với sự tham vấn và thẩm định rộng rãi.
Tổ công tác LPCCI Việt Nam hiện tại bao gồm các quan chức chính phủ và các chuyên gia pháp lý của IDLO, công tác tham vấn sẽ được thực hiện thông qua các hội thảo quốc gia.
Lĩnh vực trọng tâm của LPCCI là các bình diện pháp lý về quản lý thiên tai và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bình diện pháp lý về thích ứng BĐKH và y tế, luật khí hậu về giảm nghẹ nông lâm nghiệp, giao thông và năng lượng.
Giai đoạn đầu của PLCCI Việt Nam là xây dựng “Báo cáo quốc gia Chuẩn bị pháp lý cho BĐKH ở Việt Nam”. Thông qua việc rà soát, tổng hợp và đánh giá các văn bản pháp lý liên quan đến BĐKH hiện hành ở Việt Nam ở cấp trung ương, báo cáo tập trung vào phát hiện những rào cản, khoảng trống và thách thức, đồng thời, xem xét những cơ hội và đề xuất những sáng kiến cải cách pháp lý, tăng cường năng lực thể chế về BĐKH nhằm hỗ trợ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược BĐKH của Việt Nam. Việc rà soát, đánh giá của Báo cáo tập trung vào những văn bản và quy định cơ bản, trực tiếp liên quan đến BĐKH, thuộc các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, giao thông, năng lượng, công nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Dự thảo của báo cáo vừa được Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 09/08/2012 tại Hội thảo “Khởi động quốc gia về chuẩn bị pháp lý cho BĐKH tại Việt Nam”.
Giai đoạn hai của LPCCI Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng kế hoạch hành động pháp lý, cố vấn kỹ thuật cải cách pháp luật và các hoạt động tăng cường năng lực.
“PLCCI rất cần thiết với Việt Nam vì cải cách pháp lý và thể chế sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng thích ứng và ứng phó với các tác động khí hậu cũng như tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu; tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực để bảo đảm lợi ích môi trường và phát triển từ giảm nhẹ tác động của BĐKH ở Việt Nam.” – Giáo sư Marie Claire – Trưởng ban Phát triển kinh tế và thương mại của IDLO khẳng định.
Chính phủ Việt Nam đã sớm phê duyệt Khung Liên hợp quốc về BĐKH (1944) và Nghị định thư Kyoto (2002), đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH như Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH. |