ThienNhien.Net – Theo mục tiêu Chương trình phát triển năng lượng xanh đến năm 2015 mà UBND TP.Hồ Chí Minh phê duyệt, đến năm 2015 nguồn điện sạch từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo có tỷ lệ công suất chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ toàn thành phố, tương đương 48MW.
Đi đầu cho việc phát triển nguồn năng lượng xanh cho TP.Hồ Chí Minh là việc vận hành hệ thống điện mặt trời tại Nhà máy Lắp ráp và Kiểm định chip của Intel tại Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh từ tháng 4/2012. Hệ thống này có khả năng phát được 321.000 kWh và hạn chế tới 221 tấn khí CO2 thải ra hàng năm.
Cùng với nguồn năng lượng mặt trời, hiện nay TP.Hồ Chí Minh có nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) với công suất 2 MW, hoạt động từ tháng 7/2005 và đã hòa lên lưới điện thành phố.
Ngoài ra, trên địa bàn vẫn còn nhiều bãi chôn lấp rác được dự kiến xây thêm nhà máy phát điện từ rác, như bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) với công suất khoảng 7MW, bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với công suất 7MW hoặc tiềm năng như các bãi chôn lấp rác ở Phước Hiệp 1 (huyện Củ Chi).
Cùng với mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, từ cuối năm 2011, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh, Công ty Neptech và Công ty YnS – OCBM (Nga) đã hợp tác thành lập một công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện gió cung cấp cho các dự án điện gió trên cả nước và xuất khẩu. Hiện Công ty sản xuất thử nghiệm 3 trụ điện gió theo công nghệ YnS của Nga với tổng giá trị 4,8 triệu USD, trong đó có 2 trụ được đặt tại huyện Cần Giờ.
Tháng 4/2012 vừa qua, Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh cho phép triển khai dự án điện gió công suất 200 MW với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng tại thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).
Khảo sát ở Cần Giờ cho thấy gió có tốc độ trên 7m/giây, phù hợp với việc phát triển điện gió, tạo thêm nguồn năng lượng tái tạo cho thành phố. Nếu được phép triển khai, công ty này sẽ lắp đặt 125 tuabin gió kéo dài 20km chạy dọc theo bãi biển Cần Thạnh, do Công ty GE (Mỹ) cung cấp và lắp đặt. Thời gian xây dựng của dự án này khoảng 3-4 năm.