ThienNhien.Net – Hôm nay, 06/08/2012, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chính thức cho ra mắt trang web thông tin về loài tê giác nhằm thay đổi nhận thức và hành động cho cộng đồng về vấn đề tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Trang thông tin mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về loài tê giác, những mối nguy hiểm mà chúng đang phải đối mặt cũng như thực trạng tại Việt Nam. Không chỉ vậy, người đọc có thể tham gia trả lời thăm dò ý kiến, xem phim và tham khảo một số bài báo hữu ích liên quan đến tê giác.
Số phận của các loài tê giác trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn trộm chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Việt Nam, nơi không ít người dân tin rằng sừng tê giác là một loại thần dược giúp chữa trị nhiều chứng bệnh.
Thậm chí việc sử dụng sừng tê giác còn được xem như cách thể hiện “đẳng cấp” và phô trương sự giàu có. Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam chính là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài tê giác Java và cũng là tác nhân chính yếu gây ra cái chết của 448 cá thể tê giác tại Nam Phi trong năm 2011.
Thói quen sử dụng sừng tê giác của người Việt đang thực sự làm suy giảm số lượng loài này tại Nam Phi. Đáng buồn thay, sự tàn sát trên hoàn toàn vô nghĩa. Sừng tê được cấu thành bởi những chất giống như của móng tay người hay sừng trâu. Hơn nữa, theo các bác sỹ Đông y và một số chuyên gia, phần lớn sừng tê giác được rao bán trên thị trường hiện nay là giả.
“Sừng tê giác không phải là thần dược!” Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết, “Lời khuyên của chúng tôi dành cho những người đang có ý định sử dụng sừng tê giác là: Hãy là người tiêu dùng thông thái. Hãy cứ gặm móng tay của mình nếu bạn thấy cần phải sử dụng sừng tê giác.”
Bà Dung cũng cho biết thêm: “Chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm với cả thế giới, chung tay bảo vệ những loài cần được bảo vệ như tê giác. Có nghĩa là, phải đảm bảo mọi hành động của chúng ta không đe dọa tới sự tồn vong của bất cứ loài nào, dù loài đó ở Việt Nam hay không.”
Ra mắt trang thông tin về tê giác là một phần trong chiến dịch của ENV triển khai từ đầu năm 2012 nhằm chấm dứt tình trạng tiêu thụ và buôn bán sừng tê giác. Chiến dịch này cũng sẽ bao gồm một số hoạt động khác như sản xuất và phát hành phim truyền thông bảo vệ tê giác trong thời gian từ nay tới cuối năm, tiếp tục các chương trình khảo sát, điều tra nhằm xác định những đối tượng chính yếu tham gia vào mạng lưới tội phạm buôn lậu sừng tê giác vào Việt Nam.