ThienNhien.Net – Đó là những lợi ích có thể đạt được trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường khi chính phủ và các doanh nghiệp chấp nhận trao nhiều hơn quyền quản lý, kiểm soát rừng cho người dân địa phương, theo kết luận từ một ấn phẩm mới do Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) và mạng lưới toàn cầu thúc đẩy quản lý rừng bền vững G3 (The Three Rights Holders Group) hợp tác xuất bản.
Ấn phẩm đã kết luận rằng khi cộng đồng địa phương được trao quyền quản lý rừng, họ sẽ có thể bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững, đồng thời lại mang lại lợi ích kinh tế cho chính họ.
Trường hợp của Södra – hiệp hội bao gồm 52.000 hộ gia đình sở hữu rừng ở Thụy Điển – là một ví dụ. Ra đời năm 1938, Södra tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất bột giấy, gỗ nguyên liệu, đồ đạc và nhiên liệu sinh học. Sau đó, Södra tiến hành tiêu thụ rộng rãi các sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế, đem lại doanh thu hàng năm lên đến 2,7 tỷ USD.
Còn ở Nepal, có tới 1/5 tổng diện tích đất có rừng (tương đương hơn 1,6 triệu héc-ta) nằm dưới quyền sở hữu và quản lý của 17.685 nhóm dân địa phương. Chỉ tính riêng rừng cộng đồng Amrithdhara do 814 hộ quản lý đã cho thu nhập 36.179 USD mỗi năm. Khoản tiền này về sau tiếp tục được tái đầu tư vào quản lý rừng và hỗ trợ cho các dự án phát triển cộng đồng ở địa phương. Nói cách khác, việc trao quyền quản lý rừng cho người dân đã biến nhiều khu đất hoang hóa của Nepal trở thành những cánh rừng màu mỡ, xanh tốt, có khả năng sinh lợi cao.
Bỏ qua mối xung đột dai dẳng liên quan đến rừng giữa cộng đồng địa phương và những doanh nghiệp lớn, ấn phẩm trên cho rằng chính phủ và các nhà đầu tư nên tiếp cận kinh doanh dưới một góc nhìn khác để tương lai có thể gặt hái được nhiều lợi ích lâu dài, bền vững hơn.
Cùng với đó, IIED cũng khuyến nghị các mô hình đầu tư vào rừng cộng đồng cần chú trọng tới quyền của những người quản lý tài nguyên rừng thay vì chỉ nhìn vào nguồn lợi từ tài nguyên.