ThienNhien.Net – Sáng kiến nêu trên được triển khai thông qua một dự án nhằm đẩy mạnh hợp tác khu vực giữa 10 quốc gia Trung Phi và thiết lập hệ thống giám sát rừng cho các quốc gia thành viên này, với giá trị 6,1 triệu USD.
Rừng nhiệt đới thuộc lưu vực sông Conggo có diện tích xấp xỉ 200 triệu ha, là khu rừng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Amazon. Đây là nguồn sống quan trọng của khoảng 60 triệu dân.
Theo số liệu từ Ủy ban Rừng Trung Phi (COMIFAC), tỉ lệ phá rừng ở khu vực trên là 0,13% trong giai đoạn 1990 – 2000, sau đó tăng gấp đôi (lên 0,26%) trong vòng 5 năm 2000 – 2005. Tuy dữ liệu của COMIFAC cho thấy tỉ lệ phá rừng nơi đây ở mức thấp song trên thực tế rừng đang phải đối phó với nhiều mối đe dọa lớn như thay đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, khai thác gỗ và khoáng sản không bền vững. Do thiếu cập nhật nên những thông tin về ảnh hưởng từ các mối đe dọa trực tiếp, thay đổi diện tích che phủ rừng và mức phát thải do phá rừng, thoái hóa rừng còn rất hạn chế.
Kinh nghiệm rút ra từ Brazil cho thấy việc thiết lập hệ thống giám sát rừng quốc gia cho các nước thành viên tham gia sáng kiến sẽ mở ra cơ hội tiếp nhận tài trợ quốc tế đầu tư cho công tác bảo vệ rừng và thúc đẩy quản trị rừng bền vững.
Dự án cũng hứa hẹn góp phần thắt chặt hợp tác khu vực về quản lý rừng, đặc biệt là cung cấp thông tin minh bạch và đáng tin cậy về rừng. Trong bối cảnh các nước thuộc COMIFAC đều đang theo đuổi các chính sách về bảo vệ rừng, hệ thống giám sát rừng quốc gia sẽ càng phát huy ý nghĩa.
Bên cạnh việc hỗ trợ các quốc gia thiết lập cơ sở dữ liệu về biến động che phủ rừng và lượng hóa các bon thu giữ nhờ rừng bằng công nghệ viễn thám, FAO cũng sẽ giúp các nước xây dựng đề cương xin tài trợ dự án tiến tới thiết lập các hệ thống quản lý rừng một cách hiệu quả và bền vững (như REDD+).