ThienNhien.Net – Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), nếu một dự án chi trả cho các nước đang phát triển để giảm lượng phát thải các-bon do phá rừng muốn đảm bảo tính hợp pháp thì cần phải làm rõ quyền sở hữu đất trên cơ sở tôn trọng quyền của các cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào rừng.
Vốn dĩ nguyên tắc ẩn sau Cơ chế Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) là để “trả công” cho những người có đóng góp trong việc cô lập các-bon hoặc ngăn chặn nạn phá rừng; bù lại những cơ hội bị đánh mất; và tạm ngừng chi trả nếu cộng đồng không tuân thủ cam kết. Song, muốn làm được điều này, trước nhất bên đứng ra chi trả phải xác định rạch ròi quyền sở hữu đất, nắm rõ ai là đối tượng cần chi trả, bồi thường và ai là người nắm giữ trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Anne Larson, một nhà khoa học của CIFOR, nếu chỉ dừng ở việc xác định quyền sở hữu đất cơ bản là chưa đủ, mà quan trọng là phải thừa nhận các quyền ấy.
“Có thể hiểu đơn giản việc làm rõ quyền sở hữu đất đai đối với một cơ chế như REDD+ nghĩa là cứ trao rừng cho một đối tượng sở hữu tư nhân về đất đai và để họ làm những phần việc còn lại. Tiếc là nếu dừng lại ở đó sẽ chẳng thể giải quyết được vấn đề, thậm chí còn đụng chạm đến quyền bình đẳng của những người đang sống trong rừng, đụng chạm đến sinh kế và các quyền lợi vốn có của họ. Đáng nói hơn, nếu không công nhận quyền sở hữu đất của các cộng đồng cư trú trong rừng thì các dự án REDD+ chắc chắn sẽ thiếu đi tính hợp pháp” – bà giải thích thêm.
Thế nhưng, việc đảm bảo tính hợp pháp cho REDD+ thông qua xác định và ghi nhận quyền sở hữu đất của cộng đồng không dễ chút nào vì hai lý do: một là nó đòi hỏi nguồn chi phí rất lớn và hai là do tính phức tạp cũng như xu hướng muốn đơn giản hóa các dự án REDD+ từ phía chính phủ và các cơ quan chuyên môn, nhiều khi không tính đến cuộc sống và sinh kế của người dân địa phương.
Vấn đề sẽ càng trở nên phức tạp khi xảy ra ở những khu vực có hệ thống quyền sở hữu đất chồng chéo. Chẳng hạn như ở một số vùng thuộc châu Phi, một gia đình có thể có quyền khai thác đối với các loại quả trên cây, nhưng quyền đối với củi đốt hay quyền chăn thả trên mảnh đất ấy có khi lại thuộc về những người khác…
Dẫu khó khăn nối tiếp khó khăn, các dự án REDD+ vẫn phải tìm cách giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan tới các quyền gắn với đất đai trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của người dân, bởi chỉ có vậy mới giúp mở ra thêm nhiều cánh cửa cho REDD+ và chỉ có như vậy mới có thể bảo đảm các dự án này được thực thi một cách hiệu quả, công bằng.