Đầu tư đất đai tại nước ngoài đang lan rộng trên toàn cầu

ThienNhien.Net – Những nghiên cứu gần đây cho thấy dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đất đai đang có xu hướng tăng đột biến trên thế giới, đa dạng cả về quy mô và mục đích. Phần lớn diện tích đất đai này được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, bên cạnh đó cũng có một số lĩnh vực khác như xây dựng, tài chính, công nghiệp và bất động sản. Báo cáo của Tổ chức Quốc tế Hành động vì Nguồn gen (GRAIN)* cho biết hiện Mỹ, Anh và Trung Quốc đang là ba quốc gia dẫn đầu trong hoạt động đầu tư đất đai tại nước ngoài vì mục đích nông nghiệp và tài chính.

Thay đổi nhận thức

Nếu như thuật ngữ trưng dụng đất đai (Land grab) còn khá xa lạ trong khoảng hơn 2 năm trước thì nay đã trở nên phổ biến.

Điển hình, tháng 5/2010, Tổ chức The Observer có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) đã xuất bản một báo cáo gây chú ý cho biết, chỉ trong vòng vài năm nay, các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đã mua hoặc thuê trên 50,5 triệu héc-ta đất canh tác của châu Phi. Bốn tháng sau, Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục công bố một nghiên cứu độc lập chỉ rõ trong vỏn vẹn 4 năm từ 2006 – 2009 có tới gần 60 triệu héc-ta đất ở châu Phi (tương đương diện tích nước Pháp) đã được các công ty nước ngoài mua hoặc thuê lại.

Cũng không xa lắm, mới chỉ một năm trước, nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động trên toàn cầu đã cùng góp mặt trong buổi hội thảo đầu tiên liên quan đến vấn đề trưng dụng đất đai được tổ chức tại trường Đại học Sussex (Vương quốc Anh). Mục tiêu của hội thảo nhằm tìm hiểu, khám phá xu hướng đang từng bước đẩy quyền sở hữu đất của các nông hộ nhỏ sang tay nước ngoài, các công ty lương thực quốc tế và các nhà đầu tư.

Để xâu chuỗi tiến trình định hình xu hướng đầu tư đất đai kể trên, GRAIN đã thiết lập và đứng ra quản lý một cơ sở dữ liệu trực tuyến quy tụ hầu như tất cả các hợp đồng bán và cho thuê đất. Cùng với GRAIN, còn có rất nhiều tổ chức khác quan tâm nghiên cứu về xu hướng này như Viện Oakland, Oxfam, Tổ chức Những người bạn Trái đất (FOEI), Liên minh Đất Quốc tế (ILC), hình thành nên một kho dữ liệu vô cùng giá trị giúp các nhà nghiên cứu có thể đo lường một cách chắc chắn và chính xác xu hướng trong các hợp đồng giao dịch đất đai toàn cầu.

Ảnh minh họa: Reuters

Thực chất xu hướng đầu tư đất tại nước ngoài

GRAIN thừa nhận trong một số trường hợp cụ thể, nguồn dữ liệu của họ không thể đạt tới sự chuẩn xác đến từng chi tiết. Chẳng hạn, theo nghiên cứu mới nhất của GRAIN, các công ty Australia trưng dụng được 113.000ha đất ở các quốc gia khác, trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành trưng dụng được 5 triệu héc-ta đất tại Australia. Gần 2/3 diện tích đất này (khoảng 3,2 triệu héc-ta) thuộc về Terra Firma Capitol, một nhà đầu tư của Anh. Tuy nhiên, điều tra gần đây của Tổ chức Circle of Blue lại chỉ ra rằng các khoản đầu tư của Terra Firma Capitol đều được rót vào CPC, nhà sản xuất thịt bò lớn thứ hai hiện đang sở hữu 5,8 triệu héc-ta đất trên lãnh thổ Australia. Vô hình chung, 3,2 triệu héc-ta đất nói trên chẳng qua là đất dành cho phát triển chứ không hẳn là đất trưng dụng theo đúng nghĩa của nó.

Theo đánh giá toàn diện nhất của GRAIN hồi đầu năm nay, kể từ năm 2006, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 416 giao dịch bán và cho thuê đất quy mô lớn trên diện tích gần 35 triệu héc-ta ở 66 quốc gia, hơn 40% trong số đó là đất phục vụ kinh doanh nông nghiệp, gần 30% cho lĩnh vực tài chính và gần 20% dành cho các chính phủ.

Thêm một điểm đáng nói là châu Phi đã trở thành mục tiêu chính của hầu hết các giao dịch đất đai này, ngoài ra, các nhà đầu tư còn để mắt tới nhiều diện tích đất rộng lớn thuộc khu vực Nam Mỹ, châu Á và không loại trừ cả châu Âu. Song, GRAIN nhận định rằng châu Phi chỉ là đích đến ban đầu của việc trưng dụng đất, tương lai, nó sẽ còn nhắm vào Mỹ Latinh, châu Á, Đông Âu và dần trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Mặc dù đa phần các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận đây là một xu hướng đáng lo ngại, nhưng việc các giao dịch đất đai quy mô lớn tác động thế nào đến cộng đồng, nguồn nước, chất lượng đất và hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu vẫn chưa được kết luận mà còn đang nằm trong vòng tranh cãi.

Dẫu sao, những dữ liệu giao dịch đất gần đây cũng cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp kể từ sau cuộc khủng hoảng lương thực, tài chính năm 2008. Có điều, theo một số nghiên cứu thì đằng sau những giao dịch này đang ẩn chứa nhiều hệ lụy khôn lường đối với người nông dân cũng như các cộng đồng địa phương nước sở tại. Trong nhiều trường hợp, các giao dịch đất đã đẩy họ ra khỏi mảnh đất của mình, buộc họ phải xa rời hoạt động sản xuất lương thực vốn là sinh kế lâu đời.

Bên cạnh đó, GRAIN và các tổ chức phi lợi nhuận khác cho rằng những hợp đồng bán và cho thuê đất còn là mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, gián tiếp gây ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên đất, nước và đời sống của cộng đồng địa phương – nơi diễn ra các giao dịch, đầu tư về đất đai. Họ cũng chỉ rõ những giao dịch lớn do các công ty đa quốc gia và các nước giàu hơn tiến hành đang dần làm thay thế các phương pháp nông nghiệp bản địa vốn đáp ứng nhu cầu lương thực cho những nước nghèo suốt thời gian qua bằng các phương thức canh tác công nghiệp nhằm sản xuất ra nhiên liệu sinh học, lúa gạo cùng nhiều mặt hàng phục vụ cho thị trường toàn cầu.

Hai nguyên nhân được coi là động lực thúc đẩy xu hướng đầu tư đất đai tại nước ngoài trong vài năm trở lại đây là sự gia tăng giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, và tình trạng khan hiếm nước cục bộ đang xảy ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, tiêu biểu là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh.

Devlin Kuyek, một nhà nghiên cứu của GRAIN, cho hay: “Đa số các giao dịch đất đều diễn ra ở các nước đang phải đương đầu với những vấn đề liên quan đến nạn đói và an ninh, đồng thời gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài nguyên đất và nước. Chúng không chỉ tước đi lương thực và tài nguyên của nước sở tại mà còn phá hủy các tập quán nông nghiệp bền vững, thay thế bằng phương thức độc canh trên diện rộng, gây tổn hại cho đất đai, nguồn nước nơi đây”.

Và khi xu hướng đầu tư, trưng dụng đất đai tại nước ngoài đang không ngừng lan rộng như hiện nay, chính là lúc vấn đề bảo vệ quyền lợi về đất của địa phương được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn khoảng 1 tỷ người đói, trong khi hoạt động trưng dụng đất đang ngày càng nở rộ và từng bước bộc lộ những mặt trái chưa thể kiểm soát, WB kêu gọi chính phủ các nước yêu cầu các bên mua, bán cần hoạt động minh bạch hơn, đồng thời tăng cường cải thiện các quy định cũng như chính sách bảo vệ chủ đất nhỏ để họ có thể tránh khỏi tác động tiêu cực từ những hợp đồng giao dịch đất đai quy mô lớn.


(*) Tổ chức Quốc tế Hành động vì Nguồn gen (Genetic Resources Action International – GRAIN) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên hỗ trợ các nông hộ nhỏ và các phong trào xã hội trong việc đấu tranh đưa hệ thống lương thực phát triển theo hướng dựa vào đa dạng sinh học và đặt dưới tầm kiểm soát của cộng đồng.