ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, theo đó đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giữ vững xuất khẩu khoảng 6 – 7 triệu tấn gạo/năm.
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, mặt nước, vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản. Đây cũng là vùng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, rừng ngập mặn, nơi hội tụ, giao thoa các dòng văn hóa của dân tộc Kinh, Khơme, Chăm…, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa mang nét đặc trưng riêng.
Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; là địa bàn cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế, phấn đấu mức tăng trưởng đạt 7,7%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và 8,6%/năm giai đoạn 2016 – 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,2 triệu đồng, tương đương 1.550 – 1.600 USD; năm 2020 khoảng 57,9 triệu đồng, tương đương 2.750 – 2.850 USD.
Đến năm 2015 phấn đấu tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp trong GDP của vùng là 36,7%; công nghiệp, xây dựng 30,4%; dịch vụ 32,9%; đến năm 2020, tỷ trọng tương ứng của các ngành là: 30,5% – 35,6% – 33,9%. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giữ vững xuất khẩu khoảng 6 – 7 triệu tấn gạo/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 12%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và trên 11,5%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 630 USD và đạt trên 1.000 USD vào năm 2020.
Về văn hóa – xã hội, đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đến năm 2020, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99% đối với bậc tiểu học, 95% bậc trung học cơ sở và 65% bậc trung học phổ thông. Bên cạnh đó, phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 35 – 40 vạn lao động/năm.
Quy hoạch nêu rõ, định hướng phát triển vùng ĐBSCL thành vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; sản phẩm xuất khẩu chính của cả nước với hai mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản; hình thành các khu, vùng chuyên canh sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc phát triển nông thôn mới.
Cụ thể, về nông nghiệp, xác định cây lúa là cây trồng chủ lực, tiếp tục đầu tư khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, khuyến khích phát triển vùng sản xuất lúa lớn, chuyên canh (mô hình cánh đồng mẫu lớn), nhất là các địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa gạo như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng mở rộng chăn nuôi tập trung gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, kim ngạch xuất khẩu lớn. Tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và tập trung, mở rộng khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển, đảo, khu vực nước ngọt, nước lợ. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất chuyên nuôi trồng thủy, hải sản đạt khoảng 550.000 – 600.000 ha.