ThienNhien.Net – Ngày 25/7, hơn 50 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Liên minh các thành phố, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến phát triển các thành phố châu Á (CDIA), Ngân hàng Thế giới (WB)…, đã dự Hội nghị “Cộng đồng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng.
Thách thức đối với phát triển đô thị ở Việt Nam
Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày một rõ rệt trên mọi miền đất nước, đặc biệt hệ thống đô thị Việt Nam – nơi chiếm 70% GDP cả nước – càng dễ bị tổn thương và thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… Đồng thời, tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay càng làm tăng thêm tính dễ bị tổn thương với BĐKH ở khu vực đô thị và tác động đến môi trường, gây ra các thiên tai khắc nghiệt.
Trong 20 năm qua, lũ lụt tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng gần 4.000 người, gây thiệt hại về vật chất ước tính 3,4 tỷ USD (xấp xỉ 1 – 1,5% GDP/năm). Hiện nay, chịu tác động của BĐKH, 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long; 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; hơn 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh; 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ ngập từ 0,75 – 1 m.
PGS. TS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Tổng Thư ký Ban điều phối Diễn đàn Đô thị Việt Nam, cho biết nếu chúng ta không kiểm soát phát thải thì đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm có mức tăng phổ biến từ 2,5 – 3,7 độ C, lượng mưa tăng 2 – 10 % trên hầu hết lãnh thổ, đồng thời mực nước biển dâng cao thêm từ 78 – 95 cm.
Còn theo dự báo của Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở nước ta sẽ tăng 3 độ C, mực nước biển dâng 1m, 40.000km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm. Song hành với các hiện tượng trên là nhiều hiện tượng tiêu cực của thời tiết sẽ tác động trực tiếp đến đô thị Việt Nam: suy thoái kinh tế, giảm GDP do lũ lụt; gia tăng nhu cầu năng lượng; vệ sinh môi trường; cơ sở hạ tầng bị phá vỡ…
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự đoán, giai đoạn 2006 – 2050, TP. Hồ Chí Minh sẽ mất 48,3 tỷ USD do lũ lụt thông thường.
Thảo luận nhiều giải pháp ứng phó
Để đối phó với BĐKH, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đưa ra hình thái “đô thị nén”, phát triển đô thị theo chiều cao như một giải pháp ứng phó với những tác động trên. Bằng việc sử dụng diện tích đất tối ưu, gia tăng mật độ cao, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng phát thải khí nhà kính sẽ ít hơn, hạ tầng rẻ hơn cũng như sẽ bảo vệ và tiết kiệm được tài nguyên.
Hiện Việt Nam có khoảng 335 đô thị ven biển và 70 đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, 32 đô thị nằm kề sát biển, 67 đô thị cửa sông đổ ra biển, 3 đô thị ven biển ngập mặn, 5 đô thị gần vịnh lớn và 13 đô thị hải đảo. |
Còn theo PGS. TS Vũ Thị Vinh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, yếu tố cốt lõi trong khả năng ứng phó với BĐKH là sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và chính quyền đô thị. Việc huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ đối phó với các diễn tiến tiêu cực của thời tiết đến đời sống nhân dân và đô thị Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hội An, đã chia sẻ kinh nghiệm tăng cường trồng và bảo vệ diện tích rừng, xây dựng thành phố sinh thái của Hội An.
Các biện pháp mà nhiều đại biểu cùng thống nhất là đưa ứng phó với BĐKH vào quy hoạch tổng thể của từng thành phố, hướng đến việc thích ứng để phát triển đô thị bền vững.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các đô thị Việt Nam đứng trước thách thức là phải có những giải pháp quyết liệt để nâng cao khả năng thích ứng, dự báo trước những kịch bản BĐKH, ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài. Việc tập trung nghiên cứu, đầu tư ứng phó với BĐKH để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.