Thay đổi thói quen tiêu dùng gỗ để bảo vệ những cánh rừng nhiệt đới

ThienNhien.Net – Khi chúng ta mua một sản phẩm được làm từ gỗ tự nhiên như một bộ bàn ăn, một chiếc giường ngủ hay thậm chí một đôi đũa dùng hàng ngày được làm từ gỗ thì chúng ta đã tác động trực tiếp đến những cánh rừng nhiệt đới, nguồn tài nguyên quý báu về môi trường và đa dạng sinh học của quốc gia. Chỉ cần dành thêm chút quan tâm và thận trọng khi mua sắm, bạn sẽ là một người tiêu dùng có trách nhiệm. Điều này vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên rừng quý giá mà còn giúp duy trì nguồn sống của hàng nghìn hộ dân nghèo hiện đang phải sống dựa vào rừng.

Tiêu dùng gỗ tự nhiên – thói quen cần phải thay đổi

Thói quen tiêu dùng sản phẩm từ gỗ rừng tự nhiên là một nhu cầu khá phổ biến trong xã hội. Điều này xuất phát từ nét văn hóa của người Việt gắn bó với các vật dụng gia đình và đồ trang trí làm từ gỗ đã hình thành từ xa xưa.

Song, điều đáng nói là ngày nay trong xã hội còn không ít gia đình khá giả vẫn nặng tâm lý kén chọn, chỉ ưa dùng đồ gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, mà phải là các loại gỗ quý hiếm như Cẩm Lai, Hương, Mun Sọc, Gụ, Đinh, Lim, Sến, Táu. So với gỗ tự nhiên thông thường, các loại gỗ này thực sự có nhiều ưu điểm như chất lượng tốt, màu sắc đẹp, hương thơm tự nhiên, dẻo dai với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng tiếc rằng chúng còn lại không nhiều trong tự nhiên và nay chỉ có thể tìm thấy tại các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Quốc gia.

Trên thị trường hiện nay, gỗ quý hiếm được khai thác từ rừng tự nhiên có giá rất cao. Mỗi mét khối có thể từ vài chục triệu đồng (như Lim, Hương) cho tới hàng trăm triệu đồng (Trắc, Cẩm Lai). Các loại gỗ này thường là mục tiêu của những kẻ khai thác gỗ lậu. Chính nhờ sự phanh phui và sức lan tỏa của thông tin báo chí trong thời gian qua, xã hội đã biết đến vô số vụ việc khai thác và vận chuyển gỗ lậu diễn ra tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được pháp luật quy định bảo vệ nghiêm ngặt, như ở Vườn quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống của tỉnh Nghệ An, rừng đầu nguồn huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La và nhiều nơi khác nữa.

 

Ảnh: Tô Xuân Phúc

Việc khai thác không bền vững hoặc khai thác bất hợp pháp các loại gỗ tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ quý dẫn đến nguồn cung các loại gỗ này ngày càng trở lên khan hiếm. Nếu xét trong một bài toán kinh tế, cầu về gỗ quý hiếm không giảm (tạm coi là không thay đổi) trong khi nguồn cung giảm, gắn với giả thuyết việc thực thi chính sách bảo vệ rừng không hiệu quả, điều này sẽ dẫn đến giá các loại gỗ này trên thị trường tăng cao. Giá tăng càng thúc đẩy một số đối tượng ráo riết khai thác gỗ lậu hòng tìm kiếm siêu lợi nhuận. Kết quả của việc này là sự cạn kiệt các loài gỗ quý trong tự nhiên.

Một vài thông tin và con số dưới đây có thể giúp bạn hiểu phần nào hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng gỗ quý hiếm được khai thác không bền vững:

  • Mất rừng. Hàng năm có hàng nghìn ha rừng tự nhiên đã bị mất vì nạn khai thác gỗ lậu. Theo Cục Kiểm Lâm, năm 2011 đã có khoảng 29.500 vụ vi phạm lâm luật, với trên 43.000 m3 gỗ lậu bị tịch thu và xử lý, trong đó có khoảng 4.500 m3 gỗ quý hiếm, thuộc nhóm IA và IIA của Nghị Định 32/2006/NĐ-CP(*). Đây mới chỉ là con số thống kê chính thức. Con số thực tế chắc chắn sẽ còn lớn hơn.
  • Suy giảm đa dạng sinh học. Việc sử dụng các loài gỗ quý hiếm có thể dẫn đến sự tuyệt chủng các các loài này, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Quốc gia.
  • Ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nghèo. Mất rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân vùng cao. Hiện có hàng trăm nghìn hộ dân nghèo phải sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng. Mất rừng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn sinh kế quan trọng của những cộng đồng dân cư này.
  • Hủy hoại môi trường sinh thái. Mất rừng gây lũ lụt, lở đất… Điều này có thể không chỉ gây ra những thiệt hại về mùa màng mà còn đe dọa sinh mạng của rất nhiều người dân, cả vùng cao và dưới xuôi.
Ảnh: ThienNhien.Net

Những điều phân tích trên chỉ để minh chứng cho một nhận định chúng ta đưa ra từ đầu, rằng rõ ràng việc tiêu dùng các sản phẩm từ gỗ tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ quý hiếm, trong bối cảnh hiện nay không còn phù hợp. Hay nói một cách khác, đó là một thói quen cần phải thay đổi, cho dù thói quen đó hình thành một cách vô thức hay gắn với quan niệm rằng cái gì càng quý, càng hiếm thì càng tốt, càng bền.

Cần làm gì để trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm?

Nếu bạn đã sẵn sàng để trở thành một người tiêu dùng có trách nhiệm, việc hình thành trong đầu những câu hỏi về nguồn gốc của sản phẩm gỗ đang dự định mua sẽ giúp bạn có thông tin đầy đủ hơn trước khi ra quyết định. Bạn có thể đặt ra một số câu đối với người bán hàng như : Sản phẩm được làm từ loại gỗ gì? Gỗ đó có nguồn gốc từ đâu? Đó có phải là gỗ quý hiếm hay không?Nếu là gỗ quý hiếm, người bán hàng có được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh? Gỗ làm ra các sản phẩm này có phải là gỗ hợp pháp hay không? Có bằng chứng gì cho biết đó là gỗ hợp pháp?

Câu trả lời và thái độ của người bán hàng sẽ là căn cứ quan trọng để bạn ra quyết định có tìm hiểu thêm hay mua sản phẩm đó hay không. Nếu thông tin từ người bán hàng không rõ ràng, thiếu tin cậy, hoặc thậm chí là sản phẩm được chứng minh có nguồn gốc hợp pháp nhưng lại không thân thiện với môi trường và cộng đồng, hẳn bạn sẽ cảm thấy cần phải xem xét lại.

Gỗ được khai thác bền vững thường có giá trị cao trên thị trường. Khi lựa chọn các sản phẩm từ nguồn gỗ này, bạn và tôi sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách cho công tác gìn giữ rừng, tăng thu nhập chính đáng cho những người bảo vệ rừng, từ đó góp phần gìn giữ những cánh rừng tự nhiên tránh khỏi suy thoái, bảo tồn được một số loài cây gỗ quý còn sót lại. Điều này cũng không mấy khác so với việc bạn chọn mua một cuốn sách thật trong hiệu sách, thay vì mua sách in lậu giá rẻ bán tràn lan ngoài vỉa hè.

Thậm chí, chúng ta cũng nên tự vấn mình: Tại sao lại cứ phải chọn vật liệu gỗ, cứ phải là gỗ tự nhiên và gỗ quý? Nếu sản phẩm đó được làm từ một loại vật liệu khác thì sao? Nhiều vật dụng trước đây vốn thường được chế tác bằng gỗ tự nhiên nay được làm bằng các chất liệu thay thế, bền và đẹp không kém. Trong trường hợp bạn đã cố gắng nhưng không thể xác định được sản phẩm từ gỗ mà mình định mua có nguồn gốc hợp pháp và được khai thác bền vững hay không thì đây là một cân nhắc hữu ích.

Trong một tình huống khác, bạn cho rằng sản phẩm mình cần nhất thiết phải là vật liệu gỗ, không thể thay thế bằng bất kỳ chất liệu nào khác, bạn có thể nghĩ tới việc chọn sản phẩm có nguồn gốc từ rừng trồng hoặc từ vườn nhà thay cho gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Thường thì gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng, từ vườn nhà có khả năng tái sinh nhanh hơn so với các loại gỗ từ rừng tự nhiên, do vậy thân thiện với môi trường hơn so với các loại gỗ từ rừng tự nhiên. Với nhiều cải tiến trong quá trình gia công và công nghệ chế biến gỗ ngày nay, nhiều sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng hoặc từ vườn nhà sau khi được xử lý sấy, ngâm tẩm hóa chất chống mối mọt, ép làm tăng khả năng chịu lực…có chất lượng tăng lên đáng kể và có thể sử dụng lâu bền.

Thay cho lời kết

Mua sắm và tiêu dùng các sản phẩm từ gỗ là nhu cầu phát sinh tự nhiên của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, trong một xã hội có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin đa dạng như ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội để hiểu biết về các sản phẩm mình mong muốn, có nhiều lựa chọn để có thể chi tiêu đồng tiền một cách có hiệu quả, có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn đối với những người xung quanh.

Đặt câu hỏi với người bán hàng, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc sản phẩm, đó là những việc đơn giản trong tầm tay bạn. Và dĩ nhiên, tiền vẫn trong túi bạn, bạn là người cuối cùng quyết định sẽ mua hay từ chối.

*Nghị định 32/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2006 quy định việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, trong đó danh mục các loài này phân thành hai nhóm:

Nhóm I: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao. Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I được phân thành: Nhóm I A, gồm các loài thực vật rừng và nhóm I B, gồm các loài động vật rừng.

Nhóm II: Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II được phân thành: Nhóm II A, gồm các loài thực vật rừng và nhóm II B, gồm các loài động vật rừng.