ThienNhien.Net – Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo mới đánh giá nỗ lực của thế giới trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép các sản phẩm động vật đe dọa sự sống còn của ba loài voi, hổ, tê giác quý hiếm.
Báo cáo đánh giá tình hình tội phạm liên quan đến động vật hoang dã (Wildlife Crime Scorecard) của WWF tiến hành khảo sát 23 nước, đa phần đều thuộc châu Phi và châu Á – hai châu lục được coi là nguồn khai thác và nơi tiếp nhận các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD).
Thông qua ba dấu hiệu đỏ, vàng, xanh để đánh giá các nước lần lượt theo ba tiêu chí: có dấu hiệu thất bại, thất bại cục bộ hoặc có tiến triển trong hoạt động ngăn chặn buôn bán trái phép ĐVHD, bản báo cáo khuyến cáo Việt Nam, Lào và Mozambique đang bị liệt vào hàng ba quốc gia thiếu nỗ lực nhất trong cuộc chiến cam go này khi đồng thời “gánh” hai điểm đỏ.
Nhìn nhận rằng nhu cầu về các sản phẩm ĐVHD, nhất là nhu cầu về sừng tê giác, đang tăng lên tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tình trạng săn bắn trái phép ở Nam Phi trong vài năm trở lại đây, WWF thúc giục Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để loại bỏ tình trạng này, khởi đầu bằng việc kiên quyết dẹp bỏ các quảng cáo, rao bán sản phẩm từ tê giác trên mạng Internet.
Bên cạnh đó, WWF còn kêu gọi Lào và Việt Nam kiểm soát triệt để nạn buôn bán ngà voi và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm nuôi nhốt hổ làm thuốc; riêng Mozambique cần ngăn chặn hiệu quả việc người dân tham gia vào các đường dây săn trộm tê giác ở Nam Phi, đồng thời siết chặt quản lý nạn buôn bán ngà voi trái phép.
Trong khi đó, Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm này – được đánh giá điểm xanh do có các nỗ lực hạn chế nạn buôn bán hổ và tê giác. Tuy nhiên, đối với nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép ngà voi, Trung Quốc chỉ dành điểm vàng.
Duy nhất Ấn Độ và Nepal là hai nước đạt điểm xanh trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán trái phép cả ba loài trên.
Cho rằng vấn nạn săn trộm và buôn bán ĐVHD đang dần bộc lộ những dấu hiệu dính líu tới loại hình tội phạm quốc tế có tổ chức, WWF đề nghị các quốc gia liên quan, đặc biệt là các nước hiện còn thiếu nỗ lực, cần làm nhiều hơn để thúc đẩy ban hành và thực thi pháp luật cấm buôn bán trái phép sản phẩm từ các loài nguy cấp quý hiếm. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng cần tập trung loại bỏ và giảm thiểu những mối nguy cơ khác đe dọa sự sống của các loài này như mất nơi cư trú, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…