ThienNhien.Net – Tại Hội nghị các nhà tài trợ chính thức của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) diễn ra hôm 29/6, Các đối tác phát triển đã ra Tuyên bố chung, trong đó cam kết ủng hộ mọi mặt và hỗ trợ tài chính cho hoạt động quản lý, phát triển bền vững lưu vực Mê Kông.
Trước đó, tại Hội nghị các nhà tài trợ chính thức tháng 6 năm ngoái, Các đối tác phát triển cũng đã đề nghị một kế hoạch tài chính, bao gồm cam kết tài trợ Ngân sách Chi phí Hoạt động đến năm 2014 và cam kết hỗ trợ toàn diện cho MRC đến năm 2030 nhằm thúc đẩy tự chủ tài chính cho các quốc gia thành viên của MRC.
Bản Tuyên bố chung năm nay tiếp tục kêu gọi các thành viên MRC cập nhật tình hình triển khai kế hoạch tài chính nêu trên và khẳng định cam kết hỗ trợ đối với hoạt động quản lý và phát triển sông Mê Kông vì lợi ích chung của các quốc gia trong lưu vực.
Bên cạnh đó, Hội nghị lần này tích cực ghi nhận những đóng góp hiệu quả của MRC trong việc lãnh đạo quản lý nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý với các lưu vực khác trên thế giới, nhất là thành quả đạt được tại Hội nghị quốc tế về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới lần thứ nhất (Mekong2Rio) tổ chức ở Phuket (Thái Lan) từ ngày 01 – 03/5/2012.
Đồng thời, Hội nghị còn khuyến khích sự tham gia ngày càng đông đảo và có trách nhiệm của nhóm xã hội dân sự vào các tiến trình, chương trình của MRC; khuyến khích các nước thành viên, Trung Quốc và Myanmar không ngừng chia sẻ hiểu biết với nhau và với Ban thư ký MRC; thúc đẩy MRC hoàn thành nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Kông; cùng với đó kiến nghị các nước thành viên và Ban thư ký MRC nhanh chóng làm sáng tỏ tiến trình Tham vấn Trước đối với dự án thủy điện Xayaburi trên đất Lào…
Và để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa MRC, các quốc gia thành viên và Các đối tác phát triển trong thời gian tới, Tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết phải cho ra đời một báo cáo theo sát các vấn đề được đề cập trong bản Tuyên bố trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra vào năm sau.
Tuyên bố này đã được phê chuẩn bởi 18 quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới.