ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Chi cục thuỷ lợi, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, hiện nay hơn 50% đê biển, đê sông trên địa bàn tỉnh thấp hơn triều cường từ 0,5 m trở lên.
Báo cáo này cũng cho biết, triều cường năm 2012 sẽ tăng 15cm so với năm 2011; ngoài 30 xã, thị trấn ven biển trong tỉnh phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng triều cường tăng năm sau cao hơn năm trước, nhiều tuyến đê sông lớn như Gành Hào, Sông Đốc, Khánh Hội, Sông Trẹm, Bảy Háp… cũng có khả năng xảy ra tình trạng triều cường cao hơn đê.
Đê sông, đê biển thấp hơn mức triều cường là do tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hậu quả là làm cho gần 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bên trong đê bị nhiễm mặn, sản xuất cây trồng, vật nuôi không hiệu quả, mặt khác nó còn làm ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Điển hình như tuyến đê biển Tây, đây là tuyến đê nối dài giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, tổng chiều dài 100 km, hiện nay trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, làm cho đất đai bên trong đê cũng ảnh hưởng nặng nề.
Để khắc phục hậu quả của tình trạng đê thấp hơn triều cường, trong mùa mưa bão này, chính quyền địa phương của Cà Mau phải huy động lực lượng tại chỗ để bồi đắp đê. Đối với đê biển, dùng cơ giới để bồi trúc những đoạn bị sạt lở, những đoạn triều cường tràn đê; đối với đê sông, dùng phương pháp thủ công xử lý như dùng bao chứa đất chặn nước tràn, khi triều cường xuống mở nắp cống, bọng để sổ nước ra sông.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp trên đều mang tính tạm thời, không cơ bản. Hơn nữa, triều cường mỗi lúc mỗi tăng đang là vấn đề môi trường lớn cần được quan tâm. Các cấp, các ngành chức năng cần có các biện pháp đồng bộ để chế ngự và một trong những biện pháp hữu hiệu là tìm cách thích ứng.