ThienNhien.Net – Việt Nam được coi là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nên quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng (RĐD) từ lâu là vấn đề nóng của ngành lâm nghiệp. Hệ thống RĐD Việt Nam có vai trò rất lớn trong bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái rừng, ĐDSH, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử môi trường nhưng cũng đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa.
Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, đến năm 2010, Việt Nam đã thành lập được 164 khu rừng đặc dụng trên toàn quốc với tổng diện tích quy hoạch gần 2,2 triệu ha, trong đó hơn 1,94 triệu ha là diện tích có rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên, do nhà nước trực tiếp quản lý. Với mục đích bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên ĐDSH quan trọng, quý hiếm, đặc hữu, hệ thống RĐD đã và đang được nhà nước đầu tư bảo vệ chặt chẽ và nghiêm ngặt thông qua lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn (KBT). Tuy vậy, dưới áp lực ngày càng tăng của đói nghèo, sinh kế, ưu tiên phát triển kinh tế và thị trường (lâm sản và động vật hoang dã), RĐD thường xuyên phải chịu đựng áp lực bởi hoạt động khai thác trái phép, bị đánh đổi cho phát triển cơ sở hạ tầng (như giao thông, thủy điện, khoáng sản, du lịch) và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng. Chất lượng rừng và ĐDSH thuộc hệ thống RĐD trên cả nước đã được cảnh báo đang suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các điểm nóng phá rừng ở nhiều VQG/KBT thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên-Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ. Thực trạng này, nếu không ngăn chặn được, sẽ càng làm tăng thêm nghi ngờ về khả năng tồn tại của hệ thống này trong tương lai, cũng như hiệu quả của các nguồn lực đầu tư to lớn dành cho RĐD.
Đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này là lực lượng kiểm lâm. Biên chế nhà nước của lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 sẽ tiếp tục được bổ sung thêm 3000 người so với 10.059 biên chế năm 2010 (tương đương 01 biên chế/1000 ha rừng). Tuy nhiên, đối với hệ thống 164 RĐD, đến cuối năm 2010 mới chỉ tổ chức được 88 Hạt kiểm lâm, trong đó 06 Hạt trực thuộc Cục Kiểm lâm; 36 Hạt trực thuộc Chi cục Kiểm lâm và 46 gọi là “Hạt kiểm lâm” nhưng thực chất là lực lượng bảo vệ rừng trực thuộc Ban quản lý RĐD, rừng phòng hộ. Số liệu này cho thấy mới chỉ gần 50% khu RĐD thực sự có hạt kiểm lâm chuyên trách để bảo vệ rừng.
Quá trình phân quyền, chuyển giao quyền quản lý RĐD cho các địa phương trong thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế khi UBND các tỉnh có thể ra các quyết định chuyển đổi hoặc thu hẹp diện tích RĐD trên địa bàn. Điển hình của tình trạng này chính là việc cấp phép cho các dự án xây dựng thủy điện và khai khoáng của khối đầu tư tư nhân ngay sát và trong phạm vi VQG/KBT đã xảy ra ở nhiều địa phương. Trong khi đó, vai trò và tiếng nói của cơ quan kiểm lâm, cơ quan bảo tồn không đủ mạnh mẽ để ngăn cản sự xâm lấn vào nguồn tài nguyên mà họ được giao trách nhiệm bảo vệ. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần phải đánh giá lại công tác phân quyền quản lý RĐD như hiện nay và khả năng chuyển quyền quản lý tập trung, thống nhất hệ thống RĐD ở Việt Nam trong tương lai.
Hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành trong quản lý và bảo vệ RĐD vẫn còn những hạn chế nhất định do thiếu tính liên tục, thường có tính chất đáp ứng với các vụ việc nổi cộm sau khi bị báo chí và dư luận lên tiếng, mặc dù nhà nước đã có các văn bản hướng dẫn về phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội trong công tác bảo vệ rừng , hay giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lương kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng . Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ lậu, tấn công kiểm lâm gây thương tích xảy ra ở nhiều VQG/KBT trên toàn quốc, nhưng số lượng vụ việc bị khởi tố, truy tố tại tòa án là rất ít. Trong khi đó, vai trò của chính quyền địa phương cơ sở trong việc phối hợp với ban quản lý VQG/KBT ngăn chặn, xử lý khai thác, buôn bán lâm sản trái phép vẫn còn rất hạn chế dù nhiều cam kết bằng văn bản đã được ký kết giữa các bên; đồng thời yêu cầu về phối hợp (đồng) quản lý RĐD với cộng đồng địa phương mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm và chưa thể hóa được thành chính sách cụ thể.
Điểm mấu chốt của công tác quản lý, bảo vệ RĐD chính là hiệu quả thực thi luật pháp của lực lượng kiểm lâm ở các cấp khác nhau. Gần đây, một số vụ việc kiểm lâm nhũng nhiễu, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng đã bị cơ quan pháp luật truy tố, hay vi phạm quy trình làm việc đã đặt ra yêu cầu xem xét lại vấn đề đạo đức công vụ, công tác đào tạo, năng lực thi hành luật pháp và giám sát tác nghiệp. Rõ ràng, RĐD sẽ khó tồn tại nếu pháp luật không được thực thi triệt để.
Tóm lại, chính sách nhà nước về RĐD ngày càng được bổ sung và phát triển là bằng chứng cho thấy chủ trương mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác đầu tư, quy trì quản lý và bảo vệ RĐD. Nhưng nếu chưa giải được những bài toán đã nêu trên thì những nỗ lực này, ở một phạm vi nhất định, vẫn còn gây ra không ít băn khoăn về vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm – lực lượng chủ chốt về quản lý, bảo vệ rừng và tương lai của RĐD Việt Nam.