ThienNhien.Net – Năm 2011, lần đầu tiên ngành Quy hoạch – Kiến trúc Việt Nam có tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực văn học nghệ thuật, đó là KTS. Trần Ngọc Chính với tác phẩm Cụm công trình xây dựng quy hoạch các đô thị gồm: Quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất, xây dựng quy hoạch chung TP Đà Nẵng, quy hoạch chung xây dựng TP Vũng Tàu. Ông hiện đang làm Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Mê nghề từ nhỏ
Thời còn học sinh, Trần Ngọc Chính đã mê đắm 3 chữ ” Kiến – Trúc – Sư” (KTS) dù sự si mê ấy, như ông nói: “Lúc đó còn nhỏ lắm, mình chưa hiểu nghề KTS là gì, sau này sẽ làm những công việc cụ thể như thế nào, sướng – khổ, vinh – hạnh ra sao…”. Với bản năng hình họa thiên phú cùng với ước vọng và háo hức, ông bắt đầu nuôi mộng trở thành KTS. Và có lẽ, do duyên định, con đường đến với nghề KTS của ông diễn ra như đã được mặc định. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đăng ký vào lớp KTS, ngành quy hoạch thành phố của Bộ Quy hoạch – Kiến trúc thời bấy giờ. Tuy nhiên, khi phân định lớp, ông lại được xếp vào học ở Khoa Xây dựng – Trường Đại học Bách Khoa, trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1966, khoa nay tách ra thành lập trường Đại học Xây dựng.
Cũng trong năm 1966, Khoa Đô thị – Trường Đại học Xây dựng tổ chức thi phân lớp, ông dự thi và trở thành 1 trong 26 sinh viên của lớp KTS. Cuối năm đó, Lớp KTS, thuộc Bộ Quy hoạch – Kiến Trúc (lớp ông có nguyện đăng ký học từ thời phổ thông) được hợp nhất vào Lớp KTS, Khoa Đô thị – Trường Đại học Xây dựng, để rồi đến năm 1971, lớp học này được phân tách tiếp thành 3 lớp. Ông là sinh viên lớp Kiến trúc – Quy hoạch, với 18 sinh viên.
Từ đây, việc học và hành của ông đều đi liền với hai chữ “quy hoạch”. Từ vai trò nhân viên phụ cho người làm công tác thiết kế, khi mới ra trường, ông nhanh chóng thể hiện được khả năng bản thân, dần kinh qua các vị trí quan trọng như Phó phòng, Trưởng phòng Quy hoạch; Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Bí thư Đảng ủy rồi đến Vụ trưởng Vụ Kiến trúc – Quy hoạch – Bộ Xây dựng, Bí thư Đảng ủy; Thứ trưởng Bộ Xây dựng và hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ông tâm sự: “KTS như một duyên định, gắn trọn đời mình với nghề. Mỗi giai đoạn, dù ở vị trí nào, hai chữ “Quy hoạch” cũng đi liền với ông. Nó xuất hiện trong những những câu chuyện, trong những lần công tác “3 cùng” với người dân địa phương và trong cả những đêm trắng không ngủ để định hình tương lai của một đô thị mà ông sẽ là người vạch bút trên đồ án quy hoạch đó.” Với ông, KTS không đơn thuần là một nghề nữa, nó trở thành nghiệp đời, và ông sinh ra như để “ôm” trọn lấy nó…
Tài, tâm không thể thiếu bản lĩnh
Trong cuộc đời KTS, ông đã tham gia, làm chủ nhiệm đề tài hàng trăm đồ án quy hoạch đô thị lớn, nhỏ. Mỗi địa phương ông đến, mỗi đồ án ông thực hiện đều để lại trong ông những kỷ niệm gắn liền với nghề quy hoạch. Vui nhiều, buồn cũng không ít. Có những đồ án ông phải “căng mình” để bảo vệ những quan điểm, những đồ án “nhất thiết cần phải được quy hoạch như thế” trước những ý kiến phản biện của đại diện của nhiều cấp, nhiều ngành.
Ông nghĩ: “Người làm công tác quy hoạch phải luôn lấy trách nhiệm với đất nước, với những đô thị mình quy hoạch và đặc biệt phải gắn bó máu thịt với nghề. Không những am hiểu về lĩnh vực mình làm mà còn phải tận tường về văn hóa, lối sống của con người, mảnh đất nơi mình sẽ quy hoạch. Kiến thức khoa học, sách vở là cần thiết, nhưng những gì người KTS tổng hợp được trong quá trình thực tế ở địa phương mới là điều quyết định để quy hoạch thành công một đô thị”.
Để lãnh đạo các cấp, các ngành nghe theo cách sắp xếp, bố trí, hoạch định… rồi ủng hộ người KTS là điều không hề đơn giản. Nên “Người làm công tác quy hoạch không những cần có một tầm nhìn chiến lược xa rộng, đi trước thời đại… mà còn cần phải có khả năng thuyết trình, sử dụng những lý lẽ có cơ sở chính xác, thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình trong các đồ án quy hoạch. Nó đòi hỏi người làm công tác quy hoạch phải có tâm, có tài và có cả bản lĩnh của một một người thuyền trưởng gan dạ” – KTS Chính tâm sự.
Trong cả trăm đồ án quy hoạch lớn, nhỏ, thì đồ án quy hoạch thành phố Đà Nẵng là một trong những đồ án quy hoạch quan trọng nhất. Đà Nẵng vốn là một thành phố được xây dựng với mục đích chính là phục vụ mục đích quân sự, với tổ hợp thuỷ – lục – không quân. Nên khi được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ nhiệm đồ án quy hoạch thành phố Đà Nẵng, ông xác định cần phải quy hoạch, khai thác các vùng đất quân sự thành dân sự, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội – một sự thay đổi lớn lao về diện mạo của thành phố Đà Nẵng cần phải được thực hiện.
Với việc xác định “điều cốt yếu” trên, KTS Trần Ngọc Chính đã nhiều lần làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu V về cần phải di chuyển một số kho tàng, bến bãi, khí tài quân sự khỏi những địa điểm hiện tại và đặc biệt là phải phá bỏ sân bay Nước Mặn để mở hệ thống đường kết nối giữa đường sắt và đường bộ; đưa sông Hàn vào bố cục chính của thành phố đồng thời quy hoạch, khai thác bán đảo Sơn Trà để phụ vụ du lịch… Cuối cùng, bằng những lỹ lẽ của mình, ông đã thuyết phục được tập thể lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu V đã đồng ý và chấp thuận với nội dung bản đồ án quy hoạch Đà Nẵng mà ông đưa ra, để thành phố bên sông Hàn có diện mạo như ngày hôm nay.
Nói về Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực văn học nghệ thuật mà ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng, ông cười vui nói rằng, đó là vinh dự lớn, một niềm hạnh phúc lớn lao cho không chỉ riêng ông mà dành cho tất cả những người làm công tác quy hoạch Việt Nam. Ông rất hạnh phúc khi “Nhà nước đã quan tâm, ghi nhận và biểu dương người làm công tác quy hoạch và coi Quy hoạch – Kiến trúc là một lĩnh vực nghệ thuật”.