ThienNhien.Net – Thời gian qua, hoạt động quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bộc lộ không ít những tồn tại và bất cập, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản. Trong khi việc phục hồi lại môi trường và hoàn nguyên ở các mỏ khai thác theo quy định hầu như cũng khó thực hiện…
Môi trường ngày càng ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 300 mỏ khoáng sản và các điểm biểu hiện khoáng sản. Tính đến thời điểm cuối năm 2005, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khoáng sản chưa có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh có 46 tổ chức, cá nhân được phép khai thác 126 mỏ, với khoáng sản chủ yếu là đá xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói, puzơlan. Khi Luật khoáng sản sửa đổi có hiệu lực, UBND cấp tỉnh được phân cấp việc cấp giấy thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn. Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp 41 giấy phép thăm dò, thẩm định phê duyệt trữ lượng 39 mỏ và cấp phép khai thác 26 mỏ. Diện tích đang khai thác khoáng sản khoảng gần 1.400 hécta. Các loại khoáng sản được khai thác nhiều ở Đồng Nai là đá xây dựng, cát, đất sét làm gạch ngói và vật liệu san lấp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai diễn biến hết phức tạp, với mức độ ngày càng tinh vi, thách thức lực lượng bảo vệ pháp luật. Hàng đêm, “cát tặc” sử dụng máy hút cát với công suất lớn. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ hoặc đánh chìm ghe, thuyền xuống dòng sông để tẩu thoát. Hậu quả của việc khai thác cát trái phép đã gây sạt lở một số đoạn thuộc sông Đồng Nai, sông La Ngà. Riêng trên các đoạn sông ở thành phố Biên Hòa, cát tặc hoành hành cả ngày lẫn đêm, chủ yếu bơm hút cát trái phép tại các đoạn sông tại các phường, xã thuộc địa bàn TP.Biên Hòa. Các đối tượng tổ chức từng đoàn từ 5-10 ghe, trên ghe có 7-10 đối tượng được trang bị máy hút có công suất lớn. Khi bị lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng này thường bỏ chạy qua các khu vực bên kia sông thuộc Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hoặc chống trả quyết liệt, hay nhấn chìm ghe rồi nhảy lên bờ tẩu thoát.
Trong khai thác đá, hầu hết ở các mỏ có công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu, hầu hết vẫn áp dụng công nghệ truyền thống trong khai thác mỏ lộ thiên nên đã làm phát sinh nhiều tiếng ồn và bụi trong quá trình nghiền, sàng và vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí, đến người đi đường và các hộ dân cư dọc tuyến đường vận chuyển xung quanh mỏ trong quá trình vận chuyển. Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, qua kết quả thanh kiểm tra định kỳ hàng năm cho thấy, tình hình vi phạm phổ biến trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tập trung vào các vi phạm như khai thác vượt độ sâu, khai thác ngoài khu vực được cấp phép, thực hiện chưa đầy đủ nội dung cải tạo phục hồi môi trường và chưa lập đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định.
Thời gian qua, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm 70 trường hợp, với tổng số tiền nộp phạt gần 700 triệu đồng; truy thu hơn 5 tỷ đồng đối với 4 trường hợp vi phạm khai thác vượt độ sâu, khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép… Đáng kể là theo quy định, sau khi hết hạn khai thác, doanh nghiệp phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bằng cách làm hàng rào, trồng cây xanh và san gạt đáy hố đá để tạo thành hồ chứa nước. Song, các mỏ đá ở khu vực Hóa An giờ đây vẫn là… mỏ đá với những hố sâu thẳm.
Theo Sở TN&MT, hiện tại mạng lưới quan trắc môi trường chỉ mới bố trí được một vài điểm quan trắc để theo dõi các khu vực này. Trong đó, chất lượng môi trường không khí bên ngoài cụm mỏ đá Hoá An, cụm mỏ Thiện Tân có chỉ số bụi chưa đạt tiêu chuẩn cho phép (8,3% mẫu quan trắc vượt từ 1,2-1,6 lần). Thực tế thời gian qua cho thấy, địa phương nào càng có nhiều mỏ khoáng sản thì cơ sở hạ tầng của địa phương đó càng mau xuống cấp, môi trường sống của người dân xung quanh khu vực mỏ càng ô nhiễm.
Người dân ở ấp Cầu Hang, gần mỏ đá Hóa An thuộc xã Hóa An, TP. Biên Hòa, phản ánh do sống gần mỏ khai thác đá nên thường xuyên gánh chịu cảnh ồn ào, bụi mù mịt do máy nghiền đá và xe chở đá ra vào nên hiện mắc bệnh viêm xoang. Các thành viên khác trong gia đình cũng thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp. Đồng thời mong muốn mỏ đá ở đây sớm ngưng hoạt động để mọi người trong ấp có cuộc sống trong lành. Nhiều người dân ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, cho hay, khai thác mỏ đá ở đây người dân chẳng được hưởng lợi gì mà còn phải chịu cảnh đường sá xuống cấp, bụi bặm, xe ra vào mỏ chạy ào ào rất nguy hiểm.
Lợi ít, hại nhiều
Rõ ràng, khoáng sản là tài nguyên không thể tái tạo và ngày càng trở nên khan hiếm do quá trình khai thác và sử dụng. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường trong quá trình khác thác, chế biến và vận chuyển là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, Nhà nước đã quy định, ngoài việc sử dụng một cách hợp lý tài nguyên khoáng sản thì các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp thuế tài nguyên, nộp phí bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và ký quỹ phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác.
Theo Sở TN&MT, hàng năm, nguồn phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản toàn tỉnh thu được trên dưới 20 tỷ đồng/năm. Đó chỉ là con số khiêm tốn so với những hậu quả do khai thác khoáng sản gây ra. Theo quy định, nguồn phí này sẽ chi cho các hoạt động phục hồi môi trường ở những vùng khai thác khoáng sản, nhưng thời gian qua vẫn chưa thực hiện được. Do đó, đường sá ở các vùng khai thác khoáng sản hầu như bị xuống cấp trầm trọng.
Trong buổi họp lấy ý kiến các sở, ngành về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, một số đại biểu đại diện cho các sở, ngành trong tỉnh đã đề nghị tỉnh cân đối, tính toán giảm bớt diện tích khai thác khoáng sản. Vì nhiều nguồn khoáng sản là tài nguyên không thể tái tạo và ngày càng trở nên khan hiếm do quá trình khai thác, sử dụng. Mặt khác, địa phương nào càng có nhiều mỏ thì cơ sở hạ tầng của địa phương đó càng mau xuống cấp, môi trường sống của người dân xung quanh khu vực mỏ càng ô nhiễm. Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Đồng Nai sẽ quy hoạch vùng khai thác khoáng sản tăng so với phân bổ của Chính phủ hơn 4.500 hécta. Không ít người đặt câu hỏi: Khai thác khoáng sản nhiều, người dân được lợi gì và mất gì?
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định: khai thác khoáng sản làm mất đi vĩnh viễn nguồn tài nguyên không tái tạo, làm suy thoái, cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên sinh học (rừng, đa dạng sinh học), nguồn nước và đất đai để người dân có thể dựa vào duy trì cuộc sống lâu dài. Sau khi khai thác, môi trường vùng mỏ hầu như không thể hoàn nguyên và phục hồi vì đòi hỏi công nghệ và đầu tư chi phí lớn. Chính vì vậy, hiện nay nhiều mỏ đá đã khai thác hết hạn nhưng không hề có động thái gì cho thấy đang thực hiện hoàn nguyên theo quy định.
Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm, kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản không phép trên địa bàn. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, Tp. Biên Hòa chỉ đạo các địa phương cấp phường, xã t hực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản và tăng cường công tác giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương mình. Các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra các quy định về bảo vệ trật tự công cộng, về quản lý nhân khẩu của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; tổ chức lực lượng, chủ động trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản không phép, không đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại địa phương mình quản lý. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.