Thêm một tài liệu hữu ích về bảo tồn linh trưởng ở Đông Dương

ThienNhien.Net – Trong gần 300 loài và phân loài linh trưởng của thế giới, Việt Nam đóng góp 25 loài, trong đó nhiều loài đặc hữu. Song đáng tiếc, trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, Việt Nam cũng có tới 5 loài, chiếm tới 1/5.

Những thông tin này được trích dẫn từ cuốn kỷ yếu “Bảo tồn Linh trưởng ở Đông Dương” do Vườn thú Frankfurt (Đức), Trung tâm cứu hộ Linh trưởng (VQG Cúc Phương), Cục Kiểm lâm Việt Nam và Tổ chức bảo tồn quốc tế (Conservation International) phối hợp xuất bản.

Bìa cuốn sách “Bảo tồn linh trưởng ở Đông Dương” (Ảnh: ThienNhien.Net)

Cuốn kỷ yếu bao gồm 31 bài tham luận của những chuyên gia đầu ngành đề cập đến 5 quốc gia trong khu vực là Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan, đã thể hiện đa dạng các đề tài từ tình trạng và sự phân bố cho đến, hệ sinh thái, sự phân loại loài, các kỹ thuật khảo sát, đánh giá và giám sát quần thể, buôn bán và tái hòa nhập vào tự nhiên, đây là tài liệu thực sự hữu ích, giúp nâng cao hiểu biết về hiện trạng và chuyên ngành bảo tồn linh trưởng trong khu vực.

Các phần nghiên cứu trong nước cho biết,  Việt Nam đang có năm loài và phân loài linh trưởng đặc hữu cũng như có một số loài đặc hữu khác trong khu vực đang phân bố trong những khu rừng được nằm dọc đường biên giữa Việt Nam và các nước Campuchia, Lào và phía nam Trung Quốc.

Khi mà nạn săn bắt, sự phá hủy sinh cảnh của linh trưởng diễn ra với mức độ nghiêm trọng, khiến các tổ chức quốc tế coi Việt Nam là một trong những quốc gia báo động nguy cấp nhất về sự tuyệt diệt của nhiều loài linh trưởng quý, thì sự hợp tác bảo tồn, nâng cao nhận thức là hết sức cần thiết.

Một vấn đề xuyên suốt cuốn kỷ yếu được đề xuất, đó là cần tìm ra biện pháp phối hợp hiệu quả hơn giữa 4 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam để bảo tồn linh trưởng. Nhận định được đưa ra là việc liên kết cần thực thi sớm, chứ không thể để đến lúc các cá thể linh trưởng còn quá ít mới bắt tay vào làm thì quá muộn – như trường hợp của tê giác một sừng.