ThienNhien.Net – Đó là mô hình Thể chế Tài chính Phục hồi các hệ sinh thái biển (FIRME) được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đề xuất thành lập trong báo cáo mới công bố mang tên Sunken Billions: Financing the transition to sustainable fisheries (Tạm dịch: Nguồn lợi chìm hàng tỷ: Đầu tư vốn cho bước chuyển sang nghề cá bền vững).
Không giống lệnh tạm hoãn hoạt động đánh bắt cá tuyết được ban hành cách đây 20 năm (năm 1992) ở khu vực phía Bắc Canada, đẩy hơn 30.000 người vào cảnh thất nghiệp, FIRME được coi là giải pháp khả thi, hiệu quả giúp cấp vốn cho công tác bảo tồn mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế người dân.
TS. Robert Rangeley, Phó Chủ tịch WWF – Canada, đồng tác giả báo cáo, tin tưởng rằng hoạt động của FIRME sẽ góp phần phục hồi số lượng đàn cá, từ đó đảm bảo tính bền vững lâu dài cho các hệ sinh thái biển và sinh lợi đáng kể so với số vốn đầu tư ban đầu.
Theo báo cáo The Sunken Billions (Nguồn lợi chìm hàng tỷ) năm 2008 của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ cần ngành công nghiệp cá được quản lý tốt hơn, khoản lợi nhuận thu được hàng năm ước tính có thể lên tới 50 tỷ USD. Thế nhưng, nhìn vào những bước tiến nhỏ giọt của công tác bảo tồn biển suốt nhiều thập kỷ nay, có thể thấy, việc đạt mục tiêu này không hề dễ dàng.
Vì lẽ đó, FIRME được đề xuất thành lập để tạo kênh đầu tư ổn định nhằm giải quyết những thách thức mà công tác bảo tồn đang phải đối mặt.
Được biết, FIRME sẽ hoạt động thông qua các khoản vay dựa trên một kế hoạch quản lý bền vững có độ tin cậy cao, đảm bảo giá trị tương lai của các đàn cá. Các khoản vay sau đó được hoàn trả một lần cùng với lãi suất kèm theo để FIRME tiếp tục tái đầu tư vào ngành công nghiệp cá.
Bằng việc nỗ lực hợp tác với các bên liên quan, WWF đang kỳ vọng sẽ tạo ra mạng lưới FIRME quy mô toàn cầu, giúp từng bước phục hồi các hệ sinh thái biển trên toàn thế giới.