ThienNhien.Net – Là tỉnh vùng cao thích hợp phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả ôn đới…, Lào Cai cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao lại cần có sự hướng dẫn sử dụng và quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn.
Qua khảo sát cho thấy, tại các địa bàn vùng thấp của Lào Cai, hầu hết đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do Việt Nam sản xuất. Đây là các loại thuốc nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo các yêu cầu chất lượng về hoạt chất, dán nhãn bao bì có hạn sử dụng. Còn tại địa bàn vùng cao, vùng biên giới, do nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên có xu hướng sử dụng nhiều loại thuốc giá rẻ, nhập lậu. Các loại thuốc này có tem, nhãn mác không rõ ràng, nhãn không in bằng chữ Việt và chủ yếu là thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng…
Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu thuốc gửi đi phân tích. Kết quả phân tích được một loại thuốc trừ cỏ với hoạt chất Glyphosate có hàm lượng hoạt chất cao gấp 2,93 lần so với hàm lượng ghi trên bao bì thuốc. Nếu sử dụng các loại thuốc này tràn lan, không tuân thủ kỹ thuật sẽ làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản. Nghiêm trọng hơn, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục đang được sử dụng tại các vùng chuyên canh của tỉnh ước tính khoảng 60 tấn/năm.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Bảo vệ Thực vật Lào Cai, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng rất nhanh. Năm 2010, tổng lượng là 75 tấn, năm 2011 là 160 tấn, ước tính lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng năm 2012 sẽ tăng khoảng 1,3 – 1,5 lần so với năm 2011. Thuốc được sử dụng nhiều nhất là thuốc trừ cỏ. Tính đến thời điểm tháng 5/2012 trên địa bàn Lào Cai, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hợp pháp (trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam) có 64 hoạt chất và 226 tên thương phẩm. Trong khi đó, thuốc ngoài danh mục nhập lậu trái phép vào Lào Cai gồm 22 loại, bao gồm 5 loại thuốc trừ cỏ, 6 loại thuốc kích thích, 5 loại trừ sâu và 6 loại trừ bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, cho biết: Lượng thuốc bảo vệ thực vật hàng năm tỉnh sử dụng ước tính khoảng 168 tấn, trong đó thuốc trong nước sản xuất chỉ chiếm khoảng 60%. Nguyên nhân chính là do giá thành của các loại thuốc này cao hơn nhiều so với giá thành các loại thuốc bảo vệ thực vật do Trung Quốc sản xuất. Mặt khác, do vị trí địa lý là vùng giáp biên giới, tập quán chợ phiên vùng cao, trình độ nhận thức còn hạn chế nên nhiều đối tượng đã lén lút vận chuyển, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân khiến thực trạng sử dụng và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ phiên vùng cao diễn ra rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.