ThienNhien.Net – Những quy định về ký quỹ và phục hồi môi trường đã được nhà nước ban hành từ năm 1999 và được sửa đổi vào năm 2008 với mong muốn hạn chế những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu khai thác khoáng sản. Song trong quá trình triển khai, Quyết định 71/2008/QĐ-TTg về ký quỹ và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc. Do đó, giữa tháng 6 vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Dự thảo Quyết định thay thế.
Góp ý cho nội dung Dự thảo, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng cần thắt chặt hơn nữa yêu cầu quản lý đối với việc cải tạo và phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Những nghiên cứu và khảo sát thực tế của PanNature cho thấy tại rất nhiều khu vực khai thác mỏ, doanh nghiệp sau khi rời đi vẫn để lại những núi quặng thải hoặc những hồ sâu, làm lãng phí quỹ đất và gây nhiều rủi ro cho con người và môi trường.
PanNature cho biết bản Dự thảo lần này chi tiết và chặt chẽ hơn so với những quy định trước đó trong Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg. Đặc biệt, việc tách rời đề án phục hồi môi trường với nội dung đánh giá tác động môi trường có thể sẽ giúp các bên ra quyết định xem xét kỹ hơn về các tác động hậu khai thác khoáng sản và cân nhắc các giải pháp khắc phục. Mặc dù vậy, Dự thảo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế trong những quy định về phương pháp đền bù môi trường, tiêu chuẩn đối với việc cải tạo và phục hồi môi trường, phương pháp tiếp cận và sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng.
Theo chính sách quản lý đất đai, doanh nghiệp có quyền thuê đất để phục vụ khai thác khoáng sản; cũng như các đối tượng sử dụng đất khác, doanh nghiệp khai khoáng có nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất trong thời gian thuê. Do đó, về nguyên tắc, doanh nghiệp phải phục hồi diện tích đất đã thuê trở về nguyên trạng trước khi giao trả cho nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phục hồi diện tích đất đã thuê trở về trạng thái ban đầu hoặc có thể sử dụng lại là rất khó khăn. Các hệ sinh thái tự nhiên trong đó như rừng, sông suối khi bị tác động bởi khai thác khoáng sản sẽ làm thay đổi cấu trúc và thành phần nên ít có cơ hội phục hồi trở lại trang thái ban đầu.
Cũng như quy định trước đây, dự thảo chưa tính đến trường hợp việc cải tạo và phục hồi môi trường trở về trạng thái gần với trạng thái môi trường ban đầu là không thể. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm phương pháp đền bù môi trường trong trường hợp doanh nghiệp không thể hoàn trả lại trạng thái môi trường ban đầu. Thêm nữa, các tiêu chuẩn hiện hành đối với việc cải tạo và phục hồi môi trường khá thấp và mang nặng tính vật lý. Do đó, cần xem xét nâng cao các yêu cầu đối với việc cải tạo và hoản thổ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Về phương pháp tiếp cận vấn đề được phản ánh qua nội dung Dự thảo, PanNature nhận xét vẫn chưa đạt được những cải tiến rõ ràng sao với các quy định trước đó. Phương pháp tiếp cận chung là doanh nghiệp phải ký gửi một khoản tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường trước khi tiến hành khai thác khoáng sản. Khoản tiền này được coi là sự đảm bảo cho việc hoàn thổ môi trường của doanh nghiệp sau khai thác. Để rút lại khoản tiền, doanh nghiệp phải tiến hành phục hồi môi trường và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Tuy nhiên, theo quy định, khoản tiền ký quỹ được xác định bằng chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do doanh nghiệp tính toán. Trên thực tế, doanh nghiệp thường đưa ra con số thấp hơn nhằm giảm bớt số tiền phải ký gửi. Điều này có nghĩa là để rút khoản tiền ký quỹ, doanh nghiệp phải chi phí một khoản tiền lớn hơn hoặc bằng khoản tiền ký gửi.
Bởi vậy, việc rút lại khoản tiền ký quỹ môi trường không phải là động lực để doanh nghiệp thực hiện hoàn thổ môi trường, nên ký quỹ môi trường không nên coi là công cụ để đảm bảo cho việc hoàn thổ môi trường. Do đó, ban soạn thảo cần xem xét đưa ra các quy định thắt chặt hơn công tác kiểm tra, giám sát và thiết lập các chế độ báo cáo về việc hoàn thổ môi trường của doanh nghiệp.
PanNature cho rằng việc thực hiện cải tạo và phục hồi môi trường khu vực khai thác khoáng sản sẽ đạt được hiệu quả hơn nếu có sự tham gia giám sát của chính quyền cơ sở và cộng đồng địa phương, đảm bảo công khai minh bạch các thông tin liên quan. Dự thảo đã quy định về việc tham vấn cộng đồng trong quá trình xây dựng đề án và hoàn tất việc cải tạo, phục hồi môi trường, song cần quy định thêm việc cung cấp thông tin và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và của cộng đồng.
Trong những năm vừa qua, PanNature đã và đang thực hiện một số dự án nghiên cứu, phân tích chính sách trong lĩnh vực quản trị tài nguyên khoáng sản như: Vai trò của khai khoáng trong nỗ lực giảm nghèo (2009-2011), Tăng cường trách nhiệm giải trình trong công nghiệp khai thác (2011-2012), Thúc đẩy quản trị tổt hơn ngành công nghiệp khai khoáng (2012-2014) và Đánh giá thực trạng hoàn thổ và phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản: Bất cập chính sách và tác động đối với cộng đồng (2012-2013).Theo đó, PanNature đã triển khai một số nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin và đóng góp ý kiến cho quá trình ban hành, sửa đổi luật, chính sách của nhà nước, nhất là Luật Khoáng sản sửa đổi 2010. |