ThienNhien.Net – Người dân hai xã: Nghĩa Tá, Lương Bằng huyện Chợ Đồn đang tấm tắc khen ngợi “tài quan hệ” của ông Nguyễn Văn Oanh, trú tại tổ 13, thị trấn Bằng Lũng huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), vì đã làm được việc mà thiên hạ phải kính nể là dùng máy xúc, máy ủi, ô tô để đào hàng nghìn tấn quặng sắt đem bán trước thanh thiên bạch nhật, mà không ai hề hay biết…
Để việc khai thác tài nguyên trái phép này diễn ra một cách bài bản. Ngày 1/1/2011, ông Nguyễn Tiến Oanh – Thường trú tại Tổ 13, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đã “phù phép” một bản hợp đồng thuê đất với ông Nông Văn Sính thôn Nà Lếch, xã Lương Bằng huyện Chợ Đồn. Diện tích thuê là 72.575 m2, đất rừng sản xuất.
Có một điều lạ là trong hợp đồng kinh tế này không có ghi thời hạn ông Oanh thuê đất của ông Sính là bao nhiêu năm? Không có giá tiền thuê đất thành bao nhiêu tiền? Không ghi rõ là san gạt là bao nhiêu m2 để làm vườn ươm?… Một bản hợp đồng còn bỏ trống các điều khoảng quan trọng như thế, nhưng vẫn được ông Ma Đình Oanh – Chủ tịch UBND xã Lương Bằng ký và đóng dấu xác nhận?. Có Hợp đồng kinh tế trong tay, Oanh đã tổ chức nhiều máy xúc đến san ủi qui mô lớn, gia sức thu gom và chuyển quặng ùn ùn đi bán khắp nơi.
Theo một số người dân địa phương, mỗi ngày có hàng loạt xe tải lớn vào múc quặng rồi bịt mui kín mít chở quặng đi nơi khác. Số lượng quặng chở ra ngoài theo ước tính của người dân nơi đây có thể đến hàng trăm nghìn tấn?. Vì theo tiếng người dân tộc Tày, từ Nà Lếch (được dịch nghĩa là Ruộng Sắt). Còn nơi khai thác là Kéo Lếch (tạm dịch là dốc hoặc đèo Sắt). Quặng sắt nơi đây đùn nổi lên mặt đất từ nhiều đời nay, sắt cứ thế thi gan cùng tuế nguyện.
Những năm gần đây giá quặng sắt lên cao, nhiều doanh nghiệp đã đến khu vực này nghiên cứu cách “quy hoạch và khai thác”. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Bắc Kạn không mặn mà với việc cấp mỏ cho doanh nghiệp, nên kho quặng Nà Lếch cứ thế nằm im. Đến năm 2011, người dân thấy ông Nguyễn Tiến Oanh tổ chức khai thác quặng sắt đem bán ùn ùn, thì cứ tưởng ông Oanh đã được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp mỏ, nên chỉ nhìn thế mà xót xa, hối tiếc.
Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, cả một sườn núi rộng nhiều nghìn m2 đã bị cắt gọt nham nhở, đất san ủi ra đỏ au tràn xuống thung lũng. Có những hố lấy quặng được máy xúc đào sâu hàng chục mét vào lòng núi, tà luy cuốc phá cao hơn chục mét bỏ ngổn ngang. Lượng quặng sắt sau đào tuyển chưa kịp đem bán vẫn được xếp gọn gàng thành 3 loại. Một đống quặng cao khoảng 5 mét, rộng khoảng chục mét và dài thì hàng chục mét. Một đống quặng củ là những viên quặng to bằng chiếc bàn uống nước, chiếc gường ngủ để riêng. Và một đống nữa là loại quặng nhỏ, có lẫn chút đá thải.
Trong cái nắng chói chang của núi rừng, và bỏ phơi mưa nắng, quặng sắt han rỉ, xám xịt. Cầm viên quặng nặng trĩu, anh T. người dẫn đường vào đây nói rằng; “hàm lượng sắt tại mỏ này là rất cao, rất nhiều người đã đến đây liên hệ với các hộ dân để hợp tác khai thác và ăn chia sản phẩm từ năm 2001, nhưng đều không thành hiện thực, chỉ vì không có quan hệ với cấp trên”. Cũng theo T. việc khai thác trái phép thế này phải có mối quan hệ “mật thiết” với các cơ quan chức năng huyện, nhất là Công an và Quản lý thị trường. Đồng thời phải có sự “hợp tác” của cả quan chức lớn của tỉnh Bắc Kạn thì mới có thể khai thác thổ phỉ với qui mô lớn như thế?.
Một điều ngạc nghiên là mỏ quặng sắt này nằm ngay lề đường liên tỉnh, mặt đường trải nhựa (gọi là đường 254), từ lán ở của “công nhân thổ phỉ” đến mép mặt đường nhựa 254 chưa đầy 100 mét. Đường thẳng, đi ngoài đường vẫn nhìn thấy và biết đó là “đại công trường” khai thác quặng sắt thổ phỉ. Vì đường rẽ vào lán ngay cạnh với nơi khai thác được san ủi rộng hơn 6 mét, nền đường rải đá cuội trắng toát và lu lèn cẩn thận để chống lún cho xe tải hạng nặng. Nơi đây có lượng người qua lại suốt ngày, và đêm đến thì từng đoàn xe tải chở quặng gầm rú cả đêm.
Vì là con đường huyết mạch, mỗi ngày có nhiều Đoàn xe tải nặng lắc lè chở quặng chì, kẽm, sắt và cả gỗ từ huyện: Chợ Đồn, Ba Bể sang địa bàn huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên trước khi đi đến nơi tiêu thụ. Vì là nơi giáp danh của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, nên luôn có chốt “kiểm soát mặt đường” của lực lượng chức năng “làm nhiệm vụ 24/24 giờ”. Chưa tính các lực lượng phối hợp như: Công an, Quản lý thị trường, Kiểm lâm cấp tỉnh đi tuần tra kiểm soát rất ngặt nghèo, không hiểu bằng cách nào mà quặng sắt Nà Lếch cứ không cánh mà bay?
Một điều lạ lùng nữa là nơi đây nằm sát vệ đường, lán trại làm nơi ở cho người khai thác quặng trái phép được dựng lên rất kiên cố, lợp lá cọ hoành tráng, được trang bị đầy đủ tiện nghi, bếp núc cẩn thận và có sân bãi rộng rãi để xe ô tô con, xe tải quay đầu và là nơi sửa chữa, tu bổ máy móc phục vụ khai thác quặng thổ phỉ. Sự việc khai thác quặng sắt hơn một năm qua ngang nhiên diễn ra gữa thanh thiên bạch nhật. Theo quan sát của chúng tôi và câu chuyện của người dẫn đường; thì hàng chục, thận trí hàng trăm nghìn tấn quặng sắt đã được ông Nguyễn Tiến Oanh vận chuyển đi nơi khai thác tiêu thụ. Vậy sự thật về việc này ra sao và có bao nhiêu quặng sắt đã được chuyển bán? Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc nghiêm túc và phán quyết công minh của tỉnh Bắc Kạn.
Trong buổi làm việc với PV. NNVN, ông Hoàng Văn Mão, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn rất bất bình và cho rằng: “….Tôi thấy chuyện này lạ thật đấy, chúng Tôi có hẳn một hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn với bao nhiêu cấp Chính quyền và Đoàn thể đang hưởng Lương, hưởng Phụ cấp. Và có hẳn một lực lượng Công an từ huyện, đến xã, thôn mà tại sao không thấy ai báo cáo sự việc này?”