ThienNhien.Net – Trước vô số thắc mắc về lợi ích và thách thức của đô thị hóa nhanh chóng ở các nước đang phát triển được chuyển về chuyên trang của Ngân hàng thế giới, mới đây, Dean Cira, Chuyên gia về đô thị của định chế tài chính toàn cầu này đã có một số giải đáp và đề xuất, qua đó hé mở những mảng sáng, tối trong bức tranh đô thị hóa tại nhiều quốc gia khu vực châu Á, châu Phi…
Giải đáp câu hỏi làm thế nào để lựa chọn đúng đắn trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, Dean Cira cho rằng có hai điểm quan trọng cần phải lưu tâm, đó là đảm bảo tính linh động cho lực lượng lao động và người tiêu dùng, và đảm bảo thị trường nhà đất duy trì ở mức giá có thể chấp nhận được.
Để làm được điều này, ông đề xuất các chính phủ nên chú trọng việc cung cấp cơ sở hạ tầng trung tâm quy mô lớn, đồng thời chuyển giao việc cung cấp cơ sở hạ tầng nhà ở và các cơ sở hạ tầng cấp ba cho khu vực tư nhân và cần coi đây là những ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định tại những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Dean Cira cũng nhắc tới một số lợi ích mà đô thị hóa mang lại cho Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra những cơ hội kinh tế và việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói trên cả nước trong vòng 15 năm qua… Tuy nhiên, những thách thức mà các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm khó khăn trong điều chỉnh phương thức thực hiện quy hoạch để có thể huy động được sự tham gia của nhiều thành phần xã hội hơn và sử dụng được nhiều nguyên tắc quy hoạch hiện đại hơn, hay một số vấn đề nổi cộm ở Việt Nam hiện nay như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sự bùng nổ của thị trường nhà đất…
Về vấn đề cân bằng giữa hoạch định chính sách và quản trị, ông nhận định rằng muốn thực hiện thành công quá trình đô thị hóa thì chỉ quy hoạch thôi vẫn chưa đủ mà còn cần có sự quản trị hiệu quả từ phía chính phủ thông qua nhiều công cụ khả thi đã và đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như gia tăng tính minh bạch trong cách thức đưa ra ngân sách, phân bổ nguồn lực…; huy động sự tham gia của người dân vào việc điều hành ngân sách; triển khai những chính sách tập trung vào dân nghèo thành thị như chương trình nâng cấp các đô thị, các khu nhà ổ chuột…
Ngoài ra, ông còn giải đáp thêm khá nhiều thắc mắc về các biện pháp vừa giúp đảm bảo nhu cầu của người nghèo khu vực thành thị, vừa giúp bảo vệ môi trường, cũng như cách thức hóa giải mâu thuẫn giữa tình trạng tăng dân số ở đô thị và vấn đề đáp ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho một dân số đang ngày một gia tăng…