ThienNhien.Net – Bản cập nhật Sách đỏ IUCN 2012 đã bổ sung thêm 247 loài vào danh mục các loài bị đe dọa (ở mức dễ bị tổn thương – VU, nguy cấp – EN và cực kỳ nguy cấp – CR), nâng tổng số loài bị đe dọa trên toàn cầu lên gần 20.000 loài. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm 4% tổng số loài mà thế giới biết đến. Trên thực tế, 96% số loài còn lại hiện vẫn chưa được Sách đỏ đánh giá, hay nói cách khác, các nhà khoa học vẫn chưa nắm được tình trạng của chúng hiện giờ ra sao.
Tính đến nay, Sách đỏ IUCN đã đánh giá được 63.837 loài, bao gồm hầu hết các loài chim, động vật có vú và lưỡng cư trên thế giới. Đáng lo ngại là có tới 25% số loài động vật có vú, 13% loài chim và 41% loài lưỡng cư đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng, chiếm 31% tổng số loài được đánh giá. Bên cạnh đó mới chỉ có 38% loài bò sát nằm trong danh mục đánh giá của Sách đỏ, khiến chúng trở thành các loài ít được biết đến nhất trong giới động vật có xương sống trên cạn.
Song, nhìn vào bản cập nhật mới, vẫn còn tới 68% loài cá, 95% loài thực vật, 99,6% loài côn trùng và 99,97% loài nấm hoàn toàn chưa được đánh giá.
Xảy ra điều này là do tình trạng thiếu vốn đầu tư dài hạn cho các dự án kiểm kê, đánh giá loài của Sách đỏ và do việc đánh giá, cập nhật chủ yếu dựa vào đội ngũ tình nguyện viên. Để khắc phục, năm 2010, các nhà nghiên cứu đã kêu gọi một khoản đầu tư 60 triệu USD nhằm tăng gấp ba lần số loài được đánh giá, gồm có 35.000 loài động vật có xương sống, 38.000 loài động vật không xương sống, 25.000 loài thực vật và 14.500 loài nấm.
Trước cảnh báo của giới khoa học rằng thế giới có thể sẽ sớm rơi vào giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt với tỷ lệ nhanh gấp 100, thậm chí 1.000 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng tự nhiên thì vấn đề mở rộng cả về số lượng và tính đa dạng của các loài được đánh giá trong Sách đỏ IUCN càng trở nên cấp bách. Do đó, việc huy động mọi nguồn hỗ trợ, đầu tư cho những dự án sắp tới của Sách đỏ là hết sức thiết thực. Chỉ khi nắm bắt được tình trạng, giá trị và tầm quan trọng của tất cả các loài trên toàn cầu, loài người mới có khả năng đưa chúng ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng.