ThienNhien.Net – Ngày 07/07/2012, tại Quảng Ninh, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đánh giá “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.”
Nhìn chung, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đã được ban hành khá nhiều, đặc biệt việc ban hành hai luật cơ bản là Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này từng bước phát triển và đạt được kết quả nhất định.
Theo thống kê, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh từ 427 doanh nghiệp năm 2000, đến nay đã lên gần 2.000 doanh nghiệp; phần lớn các doanh nghiệp khoáng sản đều tuân thủ các thủ tục pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hai luật trên còn khá chậm, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa cao, chưa bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi, thiếu cụ thể và còn nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, chưa hợp với đặc thù của ngành khoáng sản cần sửa đổi, bổ sung.
Một số quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khoáng sản còn mâu thuẫn, không có sự liên kết, thiếu rõ ràng gây khó khăn trong triển khai. Quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa phù hợp với tính đặc thù của hoạt động khoáng sản. Một số quy định về thuế, phí tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trong thời gian qua còn nhiều bất cập, không khuyến khích được việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nhiều đại biểu đã thẳng thắn đánh giá ngành khai thác khoáng sản ở Việt Nam tuy đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nhưng sự phát triển và hiệu quả đóng góp của ngành đối với nền kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến, tổ chức đấu thầu, đấu giá hay công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Công nghệ khai thác khoáng sản còn lạc hậu, an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động ở nhiều cơ sở khai thác khoáng sản, nhiều khu vực mỏ, xung quanh mỏ ô nhiễm môi trường nặng nề…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến như tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc…
Các đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác điều tra, thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý và nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản và cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản theo đường tiểu ngạch gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Các địa phương cần ưu tiên thu hút đầu tư các dự án khai thác khoáng sản có sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường…