ThienNhien.Net – Trung Quốc đang đứng trước thách thức đáp ứng nhu cầu lớn về năng lượng phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn tài nguyên nội địa hạn chế. Cùng với việc phát triển ngành năng lượng trong nước, quốc gia này không ngừng mở rộng đầu tư sang các nước láng giềng trong khu vực và các châu lục khác. Thị trường Bắc Mỹ tuy nhiều rào cản song vẫn là nơi hứa hẹn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Những khởi đầu tốt với Canada
Ông Jeff Kucharski, Trợ lý Cục trưởng Cục Năng lượng tỉnh Alberta, cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Canada sẽ đạt mức trung bình 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2025, với sản lượng dầu cát tăng gấp đôi so với hiện nay. Tuy nhiên, “Canada vẫn chỉ là một ốc đảo năng lượng” ở Bắc Mỹ, chừng nào Mỹ vẫn là khách hàng duy nhất.
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định hoãn việc xây dựng hệ thống đường ống Keystone dẫn dầu từ Canada sang Mỹ trong năm qua được nhìn nhận là một cơ hội để Canada mở cửa đón các nhà đầu tư châu Á. Mặc dù vậy, 20 tỷ USD mà các nhà đầu tư Trung Quốc rót vào Canada cũng chỉ như một bước đi rón rén vào thị trường năng lượng rộng lớn này, bên cạnh người khổng lồ Mỹ cho đến nay đã xác lập được một vị thế vững vàng.
Có thể nhận thấy sự cởi mở của Canada đối với “vị khách mới” qua việc chủ động cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và trong nhận xét của ông Jeff Kucharski: “Các công ty Trung Quốc đã thể hiện họ là những công dân gương mẫu ở Canada” .
Theo Luật Đầu tư của Canada, các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại các công ty trong nước đều phải chịu sự giám sát nhưng các khoản đầu tư thông thường của nước ngoài thì không. Cho đến nay, chưa có dự án đầu tư nào của Trung Quốc bị từ chối, song rất có thể điều này sẽ thay đổi khi các công ty Trung Quốc bắt đầu kiểm soát cổ phần trong các công ty của Canada.
Thận trọng nhưng không lùi bước ở Mỹ
Adam Lysenko, đại diện Tập đoàn Rhodium thừa nhận Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở nước ngoài, nhưng ông cho rằng có một điều đáng chú ý hơn đó là sự thay đổi vị thế của Trung Quốc từ một nước nhập khẩu vốn ròng trở thành chủ sở hữu các luồng vốn hải ngoại khổng lồ.
Bo Kông, một chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Johns Hopkins, nhận định tuy đầu tư Trung Quốc tăng theo cấp số nhân trong bốn năm qua nhưng cũng không nên quá đề cao tầm ảnh hưởng của nó. Vụ thất bại của CNOOC với UNOCAL cùng với những cảnh báo của các tập đoàn năng lượng Mỹ về sự can thiệp chính trị cũng như vi phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc đã làm chậm lại dòng đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp năng lượng ở Bắc Mỹ.Rút ra bài học về chính sách bảo hộ của Mỹ sau thất bại với UNOCAL, các công ty Trung Quốc đã thay đổi chiến lược, chuyển hướng sang các dự án quy mô khiêm tốn hơn. Mối quan tâm tìm kiếm của họ không chỉ là nguồn nguyên liệu thô mà còn là kỹ nghệ khai thác. Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang được các công ty Trung Quốc ưu tiên đầu tư bởi mang lại lợi ích kép, vừa tận dụng ưu đãi thuế, vừa tránh sự kiểm duyệt của Ủy ban giám sát đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS). Adam Lysenko cho rằng để tiếp tục hấp dẫn đầu tư của Trung Quốc, Mỹ cần tách biệt vấn đề an ninh quốc gia với các yếu tố chính trị.
Mặc dù vậy, hướng đầu tư quy mô nhỏ và đa dạng hóa, cùng với việc tuân thủ quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ sẽ là giải pháp tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong tương lai. Việc ba tập đoàn nhà nước về dầu khí của Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán New York là bằng chứng có ý nghĩa cho thấy triển vọng hợp tác minh bạch. Việc thu hút các công ty Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) sẽ tích cực thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc có trữ lượng khí đá phiến sét dồi dào nhưng chưa sẵn sàng cho việc khai thác trong giai đoạn này do hạn chế về kỹ thuật và khan hiếm nước. Bù lại, Mỹ đang sở hữu 8 dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Trung Quốc, Canada có 3 dự án. Cả hai đều đứng sau Australia và Qatar. |
Về phía Trung Quốc, bản thân họ cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại khi các nhà đầu tư trong nước rót vốn vào nền kinh tế của các nước đồng minh NATO không loại trừ khả năng sẽ là những đối thủ chính trị.
Ông Wenran Jiang thuộc Diễn đàn Năng lượng và Môi trường Canada – Trung Quốc nhận xét rằng so với Mỹ, Canada dễ tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc hơn. Điều này xuất phát từ những kỳ vọng khác nhau của mỗi quốc gia. Canada hướng vào mục tiêu đa dạng hóa cầu về năng lượng, trong khi Mỹ (và cả Trung Quốc) cần duy trì an ninh năng lượng. Song, như Wenran Jiang suy luận, đang có một sự hiểu lầm căn bản về thị trường năng lượng toàn cầu lan rộng tại Mỹ, đó chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu không cần thiết giữa hai quốc gia này. Thay vì coi lĩnh vực đầu tư năng lượng của Trung Quốc như là một trò chơi thắng thua phân định, Mỹ nên nhìn nhận Trung Quốc như bất kỳ một nền kinh tế mới nổi nào khác đang cõng trên lưng một dân số khổng lồ. Khi Trung Quốc tăng trưởng, đầu tư năng lượng của họ ở Bắc Mỹ sẽ tăng lên, thúc đẩy sự tăng trưởng ở cả Canada và Mỹ.