ThienNhien.Net – Phân loại rác tại nguồn là mô hình đã được các nước phát triển áp dụng cách đây nhiều năm nhưng ở Việt Nam việc làm này mới chỉ được thực hiện dưới hình thức thí điểm ở một số địa phương trong đó có tỉnh Đồng Nai. Mặc dù, những mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn ở Đồng Nai chưa mang lại kết quả như mong đợi nhưng lãnh đạo tỉnh xác định đây là việc làm cần thiết và vẫn nỗ lực đầu tư thực hiện.
Bốn phường Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng và Trung Dũng (TP. Biên Hòa) là những địa phương đầu tiên ở Đồng Nai được chọn thực hiện thí điểm mô hình này. Những hộ tham gia chương trình đã được tỉnh tập huấn, hỗ trợ bao nylon, thùng phân loại rác. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn chỉ đạt trên 50%.
Bà Tư chủ tiệm hủ tiếu ở Khu phố 2 phường Quyết Thắng nói: “Mấy năm trước, tôi được phát hai thùng để phân loại rác, nhưng thấy nhà để hai thùng rác bất tiện nên tôi dồn tất cả rác vào một bịch nylon bỏ ra cửa cho tiện”.
Theo chị Ngô Thị Kim Thanh, công nhân chuyên thu gom rác trên đường Cách mạng tháng Tám, đoạn qua các phường đang thí điểm mô hình này thì rất ít người dân thực hiện đúng quy định, đa số vẫn bỏ chung rác vào một bịch.
Ghé thăm một số hộ ở phường Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng và Trung Dũng, chúng tôi thấy phần lớn các thùng rác được cấp để phân loại rác tại nguồn cách đây hơn 2 năm đã được họ sử dụng vào mục đích khác hoặc bỏ đi không sử dụng. Khi được hỏi, đa số người dân đều nói phân loại rác không khó, song họ ngại lích kích khi một nhà có tới mấy thùng rác.
Mặc dù những mô hình đang thực hiện thí điểm không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng Đồng Nai vẫn đang nỗ lực mở rộng phạm vi thực hiện của mô hình. Năm 2012, tỉnh đã phân bổ gần 9 tỷ đồng tiếp tục thí điểm mô hình này tại một số huyện khác với mong muốn sau đó sẽ từng bước nhân rộng mô hình này ra khắp tỉnh.
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nhận định: “Phân loại rác tại nguồn là việc không dễ, vì phải thay đổi thói quen lâu đời của người dân. Song dù khó khăn và chậm đến đâu các địa phương cũng sẽ phải làm, không phân loại rác tại nguồn được sẽ không quản lý được ô nhiễm. Bước đầu thực hiện, tỉnh chưa mong muốn đạt được kết quả tuyệt đối, chỉ nhằm từng bước thay đổi tập quán của người dân góp phần bảo vệ môi trường”.
Xác định đây là công việc lâu dài và không dễ làm, các huyện, thị, thành đều thống nhất sau khi đồng loạt triển khai thí điểm khoảng 3 tháng tại một số khu dân cư sẽ tổng kết chương trình, rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng ra các ấp, khu phố khác.
Ông Chánh chia sẻ thêm, trung bình mỗi ngày tỉnh Đồng Nai thải ra gần 750 tấn rác thải, tương đương 270.000 tấn/năm và số lượng này mỗi năm đều gia tăng. Nếu rác chủ yếu đem chôn lấp thì chỉ vài chục năm sau chúng ta sẽ hết đất để chôn. Chưa kể với lượng rác khổng lồ như trên chôn xuống lòng đất sẽ gây ô nhiễm rất lớn cho đất, nguồn nước ngầm. Ô nhiễm môi trường đồng nghĩa với việc thúc đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm cho hậu quả của nó trở lên khắc nghiệt hơn. Thay đổi một thói quen hàng ngàn năm không dễ, nhưng đó là thói quen có hại lớn cho tương lai của mỗi người, thiết nghĩ mọi người cũng nên vì tương lai của chính mình và tương lai các thế hệ sau mà thay đổi.