ThienNhien.Net – Ngày 05/7, tại Hải Phòng, Tổng cục Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng biểu mẫu kiểm kê nguồn ô nhiễm (PSI) kết quả 2-3” thuộc Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các chuyên gia Nhật Bản, đại diện các sở TN&MT Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia dự án.
Mục đích của hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các sở TN&MT thuộc các tỉnh trong vùng dự án chia sẻ kinh nghiệm về kết quả hoạt động kiểm kê nguồn ô nhiễm năm đầu tiên, hiệu quả ứng dụng và chia sẻ PSI thực tế, giúp cho việc quản lý bảo vệ môi trường nước có hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường Hải Phòng, đã trình bày chương trình kiểm kê nguồn ô nhiễm nước tại sông Rế (TP. Hải Phòng) năm 2011 với nội dung: xác định mục tiêu xây dựng PSI, xác định khu vực xây dựng, lựa chọn các dữ liệu và thông tin ưu tiên kiểm kê, xây dựng biểu mẫu thu thập thông tin, thu thập thông tin, lấy mẫu thông tin 35 cơ sở, nhập dữ liệu và xây dựng bản đồ ô nhiễm, rà soát đánh giá tính khả thi của PSI đã được xây dựng.
Bà Lê Thị Hạnh, Phó Phòng Tổng hợp Chi cục Bảo vệ Môi trường Thừa Thiên – Huế, cho biết, theo báo cáo kết quả kiểm kê nguồn ô nhiễm của Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế, Sở TN&MT Huế tiến hành các hoạt động kiểm tra quy trình, nội dung dữ liệu nhập và lựa chọn doanh nghiệp mục tiêu, thực hiện thu thập dữ liệu trong nội bộ Sở TN&MT, phác thảo cấu trúc PSI trong Excel và hoàn thiện PSI, thu thập, xử lý, biên tập và cập nhật thông tin cần thiết phục vụ việc xây dựng PSI từ nhiều nguồn như báo cáo ĐTM, kiểm kê nguồn ô nhiễm, kết quả giám sát thanh tra và kiểm tra môi trường, báo cáo tự quan trắc môi trường…
Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện Sở TN&MT Hà Nội, chia sẻ các hoạt động đã triển khai của kết quả 3 “Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước và giới thiệu phần mềm cơ sở dữ liệu nguồn ô nhiễm (PDS)”.
Bên cạnh việc nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện như nguồn nhân lực còn thiếu kinh nghiệm, tính xác thực của thông tin chưa cao, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, khó khăn trong vấn đề kiểm tra hệ thống thoát nước…, các đại biểu cũng trao đổi thảo luận và đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm ứng dụng hiệu quả đối với hoạt động kiểm kê nguồn ô nhiễm như: cải thiện tỷ lệ phê duyệt các báo cáo, giấy phép; thu thập, tích hợp và đánh giá dữ liệu với phòng thanh tra và các phòng, ban khác trong các sở TN&MT; thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa các sở TN&MT; đồng thời đảm bảo tính bền vững của công tác quản lý môi trường nước…