ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã áp dụng các mô hình khác nhau với mong muốn thành công trong cuộc giảm nghèo. Với mô hình Tổ đoàn kết tương trợ và Kinh doanh sinh vật cảnh, hai địa phương Hậu Giang và Ninh Bình đã đang dần đạt được mục tiêu này.
Tổ đoàn kết tương trợ giúp Hậu Giang giảm nghèo hiệu quả
Mô hình Tổ đoàn kết tương trợ ở Hậu Giang đã tạo điều kiện cho nhiều tổ viên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Tổ đoàn kết tương trợ số 1 ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ là một trong những tổ hoạt động hiệu quả, giúp nhiều tổ viên thoát nghèo. Thành lập từ năm 2005 với 8 tổ viên, đến nay tổ đã có gần 40 thành viên với số vốn góp được trên 500 triệu đồng. Mỗi tháng các tổ viên góp vốn một lần với số tiền từ 500.000 đồng trở lên tùy theo điều kiện của mỗi người, lãi suất vốn góp là 1% và lãi suất vay vốn 1,5%. Tổ viên gặp khó khăn cần vay vốn phải đăng kí trước với tổ, nêu lí do vay vốn và kế hoạch sử dụng vốn vay có hiệu quả để tổ xem xét và giải quyết. Cuối năm, các tổ viên đã vay hoàn trả lại tiền cho Tổ đoàn kết tương trợ.
Trước đây người dân ở khu vực này còn nghèo, phải cầm cố ruộng đất để có tiền sinh sống nhưng sau đó không có tiền để chuộc lại, cuối cùng không có đất sản xuất phải làm thuê làm mướn kiếm ăn từng ngày. Mô hình Tổ đoàn kết tương trợ ra đời đã tạo điều kiện cho những hộ nghèo có tiền để chuộc lại ruộng đất, có đất để chăn nuôi, trồng trọt, có vốn để kinh doanh.
Tổ đoàn kết tương trợ còn giới thiệu những mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả để các thành viên học hỏi, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Những hoạt động này đã động viên tinh thần, trở thành động lực phấn đấu của tổ viên, trong tổ không còn hộ nghèo. Từ nguồn lãi suất ít ỏi, Tổ đoàn kết tương trợ đã trích một phần để sửa chữa cầu, đường xuống cấp, làm một số tuyến đường mới, đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho các hộ chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn.
Thời gian tới, Tổ đoàn kết tương trợ số 1 sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu các mô hình làm ăn hiệu quả của chính các tổ viên, tìm kiếm những mô hình hay ở các nơi để giới thiệu cho tổ viên; chuẩn bị vốn mua máy gặt đập liên hợp, lò sấy và một số máy móc nông nghiệp khác để phục vụ tổ viên và người dân trong vùng vào các vụ thu hoạch lúa.
Hậu Giang hiện có trên 2.600 Tổ đoàn kết tương trợ với hơn 100.000 tổ viên. Các tổ này ở tại địa phương nên nắm rõ hoàn cảnh các tổ viên, phối hợp với các chương trình, dự án của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Hội Nông dân triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tạo điều kiện cho gần 2.000 tổ viên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả hoặc nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Kinh doanh sinh vật cảnh – hướng phát triển kinh tế mới ở Ninh Bình
Hơn 10 năm về trước, sinh vật cảnh (SVC) chỉ là thú chơi của một số người đam mê nghệ thuật cây cảnh, đá cảnh, nhưng đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh SVC đã dần lớn mạnh, trở thành hướng phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả cao tại hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giúp cho hàng nghìn hộ dân không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Hiện Ninh Bình có trên 6.000 gia đình hội viên tham gia phát triển kinh tế SVC. Toàn tỉnh có gần 300 ha đất chuyên trồng hoa, cây cảnh. Hàng năm, các nhà vườn xuất bán ra thị trường hàng triệu sản phẩm SVC, đem lại cho địa phương nguồn doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm. Cùng với việc phát triển sản xuất, kinh doanh SVC, các hoạt động dịch vụ như đúc chậu cảnh, đắp hòn non bộ, cắt tỉa cành, tạo dáng, thế cho cây… cũng rất tạo việc làm cho hàng vạn lao động với mức thu nhập hàng trăm nghìn đồng/người/ngày.
Sản xuất, kinh doanh SVC thực sự là hướng đi mới thu hút ngày càng nhiều hộ nông dân tham gia, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm SVC mà không ít hộ đã vươn lên làm giàu, bà con đã chuyển đổi những diện tích vườn tạp, đất làm nông nghiệp không hiệu quả sang ươm trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều trang trại SVC có giá trị hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.