ThienNhien.Net – Nhận định này được nhiều chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, Chính sách và Triển vọng” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cùng Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 28/06/2012 tại Hà Nội nhất trí.
Theo báo cáo tại hội thảo, Việt Nam đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong sản xuất lương thực, từ chỗ thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Song, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp, mức ổn định giá chưa cao, lúa gạo không còn là nhân tố góp phần giảm nghèo bởi không nông dân nào ở ĐBSCL – vựa lúa của Việt Nam – có thể kiếm sống chỉ từ trồng lúa…
Nguyên nhân chính là do ngành nông nghiệp sử dụng quá nhiều và không hiệu quả các yếu tố đầu vào; không có khả năng quản lý rủi ro thời tiết, thị trường; mức độ hao tổn vật chất cao; thiếu khuyến khích hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm; phân phối lợi nhuận không công bằng ….
Tuy nhiên các chuyên gia đều thống nhất cần một biện pháp xa hơn biện pháp “trợ giá” để có thể tăng lợi ích bền vững cho người nông dân. Nhà nước nên thực hiện các chiến lược hỗ trợ khác nhau theo từng vùng, miền và giữa các hộ gia đình khác nhau; Xây dựng các kho dự trữ lúa gạo lớn để tạo điều kiện điều tiết sản xuất kinh doanh lúa gạo; Dần chuyển đổi mục tiêu từ phát triển số lượng lúa gạo sang tăng trưởng chất lượng.
Theo GS. TS C.Peter Timmer (Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Đại học Stanford, Hoa Kỳ), nhu cầu tiêu thụ gạo theo đầu người đang và sẽ giảm nhanh ở Việt Nam và châu Á, nên Việt Nam cần tính trước tới khả năng xảy ra “Khủng hoảng thừa lúa gạo” như từng xảy ra với Thái Lan để có kế hoạch ứng phó.