ThienNhien.Net – Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2012 hướng tới thông điệp “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, trong đó trẻ em luôn được dành cho những gì tốt đẹp nhất, được chăm lo toàn diện về sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí, phát triển trí tuệ…
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bình quân một năm (giai đoạn 2008 – 2010) cả nước có khoảng 3.000 – 4.000 vụ bạo lực trẻ em và khoảng 100 em bị tử vong.
Còn theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 2 năm 2008 – 2009, tổng số vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện là 2.260 vụ. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo hành, buôn bán trẻ em đang diễn biến ngày một phức tạp, trở thành vấn đề xã hội bức xúc.
Những khó khăn về kinh tế của một bộ phận các gia đình dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em là điều kiện thuận lợi cho việc nảy sinh các hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em hoặc trẻ em vi phạm pháp luật.
Mặt khác, nguy cơ gia tăng trẻ em bị bạo lực, xâm hại một phần là do sự biến đổi các giá trị xã hội, lối sống thực dụng, quá coi trọng đồng tiền và vật chất; tác động của phim ảnh, bạo lực khiêu dâm ngày càng khó kiểm soát; áp lực về đời sống tâm lý trong gia đình và xã hội gia tăng; tình trạng gia đình ly hôn, ly thân dẫn đến các sang chấn tâm lý, các hành vi “lệch chuẩn” ở trẻ em và người lớn, trẻ em có nguy cơ cao bị bỏ rơi, sao nhãng, đi lang thang, lao động kiếm sống, vi phạm pháp luật, bị bạo hành và xâm hại.
Các dịch vụ xã hội, đặc biệt các dịch vụ bảo vệ trẻ em, chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội và nhu cầu của gia đình, người chăm sóc trẻ và trẻ em.
Nhưng những biện pháp nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, giảm nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội, tăng cường tiếp cận y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và bảo vệ trẻ em đã và đang được lồng ghép thông qua việc triển khai thực hiện các quyết định và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ như: việc làm, giảm nghèo, nước sạch, phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chính sách phúc lợi xã hội khác.
Đặc biệt, cam kết thực hiện Tuyên bố “Một thế giới phù hợp với trẻ em” năm 2002 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em trên cơ sở xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em năm 2004, bổ sung sửa đổi năm 2010, phấn đấu tạo môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em ngay từ cấp cơ sở, giảm thiểu đáng kể các nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn thương và tăng cường sự tham gia của trẻ em, trợ giúp kịp thời cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo.