ThienNhien.Net – Hiện nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường của 16 ngành và lĩnh vực kinh tế của Việt Nam lên tới khoảng 7,6 tỷ USD, trong đó lớn nhất là ngành thủy sản với 1 tỷ USD. Do đó, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường đòi hỏi phải đa dạng hóa về hình thức, phương thức huy động vốn của các chủ thể đầu tư, gắn với lợi ích của nhà đầu tư với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm -Tổng cục Môi trường Đặng Văn Lợi cho biết: Tính đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 283 khu công nghiệp được thành lập, trong đó chỉ có 65% của 180 khu công nghiệp đang hoạt động xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện tại, khoảng 90% doanh nghiệp trong tổng số gần 500 doanh nghiệp sản xuất giấy không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Chưa kể 30% cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và lớn tuy xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng vận hành chưa đạt tiêu chuẩn hay không vận hành thường xuyên. Riêng tổng lượng chất thải rắn phát sinh mỗi ngày ở các đô thị lớn của nước ta ước tính 29.800 tấn, tỷ lệ thu gom và xử lý chỉ đạt 83%; ở khu vực nông thôn là 30.500 tấn/ngày, thu gom được 50-60%.
Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn của Việt Nam hiện nay chủ yếu là chôn lấp, đạt tiêu chuẩn vệ sinh rất thấp. Còn hơn 20 dự án xử lý rác thành các sản phẩm tái chế như phân bón hữu cơ, công nghệ đốt… đều ở quy mô nhỏ, sản phẩm cũng rất khó tiêu thụ. Tính đến thời điểm này trong cả nước mới có 17 tỉnh, thành phố thành lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn; 25 địa phương đang lập quy hoạch và 21 địa phương chưa triển khai thực hiện Quyết định 798 của Chính phủ về đầu tư xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt trên địa bàn cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xúc tiến quy hoạch xử lý chất thải rắn tại 3 khu vực kinh tế trong điểm, bao gồm 7 khu xử lý sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, công nghệ xử lý chất thải của Việt Nam tự thiết kế và chế tạo đã tương đối đủ về loại hình để xử lý chất thải rắn, nước thải và khí thải. Nhưng công nghệ tái chế chất thải chủ yếu vẫn là công nghệ lạc hậu, thủ công, hiệu quả thấp. Tình trạng sản xuất thiết bị, công nghệ còn đơn chiếc, nên chưa thể hình thành ngành công nghiệp môi trường. Vì vậy, ngoài việc ban hành các chính sách phát triển công nghệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, Việt Nam cần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này, nhất là công nghệ hiện đại xử lý, tái chế chất thải thành những sản phẩm hữu ích hoặc thành năng lượng.