Đối thoại chính sách bảo trợ xã hội của ADB tại dự án thủy điện sông Bung 4

ThienNhien.Net – Sáng 20/6/2012, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức thành công Hội thảo đối thoại “Chính sách bảo trợ xã hội của ADB tại dự án thủy điện sông Bung 4”.

Tham gia hội thảo đối thoại có đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Ban quản lý (BQL) dự án thủy điện sông Bung 4, các sở, ban, ngành liên quan tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và những người dân bị ảnh hưởng.

Tại buổi hội thảo, nhóm nghiên cứu VRN đã đưa ra các phát hiện chính của báo cáo nghiên cứu cho nội dung chủ yếu của cuộc đối thoại:

Thứ nhất, dự án làm thay đổi phương thức sản xuất từ du canh sang định canh của cộng đồng dân tộc bản địa người Cơ Tu. Do đó, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cũ sẽ không còn phù hợp với điều kiện sinh kế mới. Việc giảm đáng kể diện tích canh tác nông nghiệp (từ hàng chục héc-ta đất sang 1,5 ha) và chuyển đổi phương thức sản xuất ảnh hưởng mạnh tới vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp. Dự án chưa làm rõ những phân tích về nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc Cơ Tu trong quá trình thay đổi sinh kế và đưa ra những biện pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phục hồi sinh kế của họ.

Thứ hai, BQL dự án đã đưa ra Quy trình giải quyết khiếu nại: UBND xã – Hội đồng quản lý và thực thi tái định cư – UBND huyện – UBND Tỉnh – Tòa án Nhân dân Huyện – Tòa án Nhân dân Tỉnh. Quy trình chưa thực sự thể hiện yêu cầu chính sách của ADB về tính chất “dễ tiếp cận”, “không tốn kém chi phí” và không phải trả thù lao. Giai đoạn khiếu kiện tới ADB sau khi phải giải quyết ở Tòa án Nhân dân Huyện và Tỉnh có thể là những trở ngại với người dân tộc Cơ Tu.

Thứ ba, việc áp giá chưa tính đến trượt giá, bỏ qua những tài sản mà người dân cho là có giá trị và quan trọng (vùng đất trên ngập, tài sản trên vườn, rẫy như ở Parum B và Padhy). Còn khá nhiều người (ở thôn 2) chưa được tiếp cận nước sạch. Việc di chuyển mồ mả chưa được đề cập và giải quyết kịp thời, vấn đề gỗ làm nhà của người dân địa phương đang là vấn đề có nhiều tranh cãi. Về các biện pháp hỗ trợ phục hồi sinh kế, những giải pháp khác nhau đã được thực hiện với kết quả không đồng đều ở các thôn.

Hội thảo đối thoại sáng 20/6 (Ảnh: Vrn.org.vn)

Sau khi đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về báo cáo, đại diện UBND huyện Nam Giang, đại diện BQL dự án sông Bung 4, đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, đại diện người dân địa phương cũng có những ý kiến tham gia tại buổi đối thoại. Về cơ bản, sau khi cuộc đối thoại kết thúc, BQL dự án thừa nhận những hạn chế của quá trình tái định cư và sự hạn chế của các mô hình sinh kế và sẽ khắc phục trong thời gian tới. BQL dự án cũng hứa sẽ có ý kiến tham vấn với UBND tỉnh về việc có quyết định rõ ràng đối với số gỗ làm nhà của người dân thôn Parum B, đồng thời sẽ xem xét việc quy hoạch khu sân vui chơi cho các sinh hoạt thể dục – thể thao của người dân trong khu vực các công trình hành chính vì địa hình chưa đủ điều kiện để xây dựng sân chơi thể thao. Ngoài ra, BQL còn đồng ý việc sẽ tổ chức di chuyển mồ mả tại vùng đất ngập nước trong thời gian tới.

Về phía đại diện ADB, sau khi kết thúc hội thảo, ông Takafumi Kadono – chuyên gia về năng lượng, đại diện ADB tại Việt Nam – đã có thư cám ơn về lời mời tham gia hội thảo của VRN. Ông cũng nhấn mạnh rằng buổi làm việc sáng ngày 20/6 với VRN đã giúp ông nhìn thấy những nguy cơ, thách thức mà dự án đang gặp phải. Điều này khác hoàn toàn với nhận định ban đầu của ông trước khi tham gia hội thảo là mọi thứ diễn ra tại vùng dự án thủy điện sông Bung 4 đều đang hết sức tốt đẹp. Ông Taka cũng hứa sẽ xem xét lời đề nghị hợp tác của VRN với ADB trong thời gian tới như là một trong những hoạt động thể hiện sự đồng thuận của ADB đối với các hoạt động phản biện xã hội của VRN.

Tuy thời gian diễn ra hội thảo chỉ có nửa ngày nhưng với tinh thần làm việc nghiêm túc, các thành viên tham gia hội thảo đã cùng nhau xem xét, kiểm chứng về những thông tin mà báo cáo đưa ra, cùng nhìn nhận những thành công mà dự án đã đạt được để tiếp tục phát huy. Hội thảo đặc biệt chú ý xem xét các hạn chế xảy ra, những nguy cơ, thách thức mà sắp tới dự án có thể gặp phải và cùng đưa ra những phương án giải quyết tốt ưu nhằm thúc đẩy dự án được thực hiện tốt hơn trong thực tế, đem lại một cuộc sống bền vững hơn cho những cộng đồng bị ảnh hưởng.

Công trình dự án thủy điện sông Bung 4 là công trình dự án thủy điện đầu tiên mà ADB cho Việt Nam vay vốn để đầu tư. Điều đáng nói ở đây là khoản vay này không phải là vốn vay ưu đãi của ADB dành cho Việt Nam mà chính là nguồn vốn ADB huy động trên thị trường. Nó đồng nghĩa với việc Chính phủ Việt Nam sẽ phải hoàn trả tổng số vốn và lãi với một số tiền khổng lồ hơn gấp nhiều lần số tiền vay 196 triệu USD cho dự án. Ngoài ra, dự án này được xếp vào nhóm dự án có tác động mạnh đến môi trường và người dân tộc thiểu số thông qua việc thay đổi diện mạo cảnh quan của sông Vu Gia, tiến hành tái định cư bắt buộc cho khoảng 200 hộ gia đình là người dân tộc thiểu số (Cơ Tu). Quá trình di dời và tái thiết cuộc sống cho người dân tái định cư, đặc biệt là tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số vốn dĩ sống dựa vào đất rừng và các nguồn lợi từ rừng, là một quá trình hết sức khó khăn, tiêu tốn nhiều ngân sách nhưng lại khó đem lại được sự bền vững.Nhằm phát huy hiệu quả của nguồn vốn, giảm thiểu những tác động xã hội của các công trình đến những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án sử dụng vốn vay của mình, ADB đã ban hành Chính sách bảo trợ xã hội (SP) và thúc đẩy các bên liên quan tuân thủ chính sách này trong suốt quá trình thực hiện dự án. ADB cũng luôn đề cao vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tham gia vào các dự án của ADB như là việc thực hiện chức năng phản biện xã hội của các tổ chức ấy. Đó chính là cơ hội để VRN tham gia vào dự án thủy điện sông Bung 4.

Từ ngày 03 – 05/5/2012, nhóm nghiên cứu VRN gồm 8 thành viên đến từ các tổ chức khác nhau của VRN đã có cuộc khảo sát tại địa bàn dự án thủy điện sông Bung 4 ở các thôn Parum B, Padhy thuộc xã ZuoiH và thôn 2 thuộc xã Tà Pơ của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Sau chuyến khảo sát, nhóm nghiên cứu VRN đã hoàn thành báo cáo giám sát độc lập đối với Chính sách bảo trợ xã hội của ADB về tái định cư bắt buộc và người dân tộc thiểu số và đề nghị VRN phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức hội thảo với các mục tiêu: Giới thiệu chính sách bảo trợ xã hội của ADB và sự tham gia của VRN vào các hoạt động của ADB; Chia sẻ thông tin và thảo luận về những điểm tích cực, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách ADB tại khu vực dự án thủy điện sông Bung 4 huyện Nam Giang, Quảng Nam; Phát triển một cơ chế hợp tác giữa các tổ chức xã hội dân sự, ADB và các bên liên quan khác để tăng cường đối thoại về các vấn đề phát triển ở Việt Nam.