ThienNhien.Net – Mỗi lần lang thang qua các bảo tàng nước bạn, tôi hay chạnh lòng nghĩ “giá nước mình cũng có…”. Newseum cũng vậy, nó khiến tôi mong ước giá nước mình cũng có một bảo tàng dành riêng cho báo chí và truyền thông. Báo chí ghi lại cuộc sống, lưu lại những dấu ấn của lịch sử, nhưng bản thân sự phát triển của ngành báo chí cũng là một chiều dài thăng trầm cần được xã hội trân trọng ghi nhận.
Newseum là một bảo tàng về báo chí truyền thông của Mỹ. Thuộc hàng sinh sau đẻ muộn trong hệ thống bảo tàng đồ sộ của quốc gia này nhưng Newseum có một vị trí rất đẹp ngay giữa lòng thủ đô Washington, cách tòa Nhà Trắng và văn phòng quốc hội Mỹ không xa. Cũng vì ra đời gần đây (2008) nên Newseum tận dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để chinh phục người xem, hay nói một cách khác Newseum được xếp vào hàng “công nghệ cao”.
Lịch sử nhập cư và sự hình thành nước Mỹ, cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ và chiến tranh thế giới, chiến dịch bầu cử tổng thống… là những điểm nhấn về nội dung trong các gian trưng bày của Newseum, với tư tưởng dân chủ và tự do – món “đặc sản” của Mỹ – được khẳng định và đề cao xuyên suốt. Có thể thấy rõ hơn điều này khi Newseum dành một gian lớn diễn giải về First Amendment, đạo luật thứ nhất của Hiến pháp Mỹ nói về các quyền tự do, trong đó có tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Đâu đó trong Newseum có những tên tuổi báo chí liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Nick Ut và Edward Adams tại góc ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer báo chí, Larry Burrows, Henri Huet, Kent Potter và Keisaburo Shimamoto được ghi danh ở khu tưởng niệm các nhà báo đã hy sinh hoặc không may thiệt mạng trong khi tác nghiệp.
Vào mỗi sớm trước khi bảo tàng mở cửa, sẽ có một nhân viên lần lượt thay 80 trang nhất được phóng ra khổ rộng của 80 tờ báo lớn Mỹ và quốc tế. Công việc mang tính thủ công nhưng thực sự ý nghĩa.
Góc “thử làm phóng viên” giúp người xem có một trải nghiệm thực về công việc của người làm báo.
Một góc bức tường Berlin cùng tòa tháp canh – chứng tích tan rã XHCN ở châu Âu – nặng cả trăm tấn song cũng được vận chuyển công phu từ nước Đức.
Tiếc rằng tôi chỉ được giới hạn một tiếng đồng hồ ở đây, một cuộc thăm viếng mang tính cưỡi ngựa xem hoa. Với một nơi như Newseum, nó có thể sẽ khiến bạn quyết tâm dành trọn cả buổi lang thang, xem, đọc và suy ngẫm, ngẫm nghĩ về nghề báo chí và nghĩ về một nền văn hóa khác biệt ở phía bên kia địa cầu.
* Có sử dụng ảnh Journalists Memorial của Newseum