ThienNhien.Net – Năm 2004, thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) khởi công xây dựng, hơn 2.000 hộ dân với hơn 13.000 nhân khẩu được chuyển ra vùng tái định cư cách đó gần 200km. Nhưng sau hơn 5 năm tái định cư, hàng trăm hộ dân đã bỏ về nơi ở cũ. Hồ đã tích nước, làng bản không còn, người dân rơi vào bế tắc trong khi chính quyền địa phương vẫn loay hoay tìm giải pháp.
Theo báo Công an nhân dân điện tử ngày 17/06/2012, lý do người dân bỏ khu tái định cư là do các ngành, địa phương ở Nghệ An khi bố trí tái định cư đã bỏ qua nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Hàng đời nay, đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông phụ thuộc rất nhiều vào các giá trị kinh tế tự nhiên nhưng khi di dân về tái định cư, mặc dù mỗi người dân được cấp hơn 2.000m2 đất, được cấp tiền để trồng rừng, làm kinh tế nhưng do không được hướng dẫn cụ thể nên bà con đã chi tiêu hết tiền. Nhiều người dân nơi đây than phiền rằng đất canh tác ở nơi tái định cư rất xấu, trồng cây gì cũng cằn cỗi, không thu hoạch được nên dân bản phải bỏ làng. Nhiều hộ đã bán cả nhà cửa, vườn tược để đoạn tuyệt với khu tái định cư.
Quay về huyện Tương Dương, nhiều người dân đã tự tụ tập nhau lại sống như những bản, làng vô danh bên dòng sông Nậm Nơn, chấp nhận cuộc sống “5 không”: không chính quyền quản lí, không trường học, không trạm y tế, không điện, không đất sản xuất.
Rõ ràng, công tác tái định cư thủy điện Bản Vẽ cần được xem xét lại.