ThienNhien.Net – Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo: “Tăng trưởng xanh hòa nhập: Con đường hướng tới Phát triển Bền vững” trong đó khẳng định các chính phủ nên theo đuổi các chính sách tăng trưởng trên nền tảng “tư duy xanh” để có thể đảm bảo tính hòa nhập, hiệu quả, phù hợp về khả năng kinh tế và trên hết là để duy trì phát triển kinh tế bền vững trong những năm tới.
Được đưa ra thảo luận trong Hội thảo Tăng trưởng xanh tại Hà Nội, báo cáo cung cấp một khung phân tích, qua đó đưa ra các yếu tố như hệ thống khí hậu, đất và biển vào quy hoạch tăng trưởng kinh tế để tiếp tục giảm nghèo. Báo cáo phủ nhận quan niệm rằng tăng trưởng xanh là một cách tiếp cận tốn kém mà đa số các quốc gia đang phát triển khó có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện – thay vào đó, báo cáo chỉ ra những trở ngại chủ yếu đối với tăng trưởng xanh là các rào cản chính trị, những thói quen cố hữu và việc thiếu các công cụ tài chính thích hợp.
Theo bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách về vấn đề Phát triển bền vững: “Thế giới đã đạt được nhiều thành tựu thật sự đáng kinh ngạc trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brazil, nhưng cùng với những tiến bộ ấy lại là tình trạng suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên.” Bà nhấn mạnh: “Các quyết định của ngày hôm nay sẽ là cam kết của các quốc gia đi theo các mô hình tăng trưởng bền vững hoặc không bền vững trong tương lai. Cần đặc biệt chú ý để đảm bảo rằng các đô thị, đường sá, nhà máy và nông trang được thiết kế và quản lý theo cách phù hợp để có thể nâng cao mức sống, đồng thời khai thác nguồn vốn tự nhiên, con người và tài chính một cách hiệu quả”.
Báo cáo khuyến khích các chính phủ thay đổi cách tiếp cận cho các chính sách tăng trưởng và không chỉ đánh giá xem nền kinh tế đang sản xuất gì mà còn đánh giá xem quá trình sản xuất ấy sử dụng những nguồn tài nguyên nào và gây ô nhiễm ra sao.
Báo cáo khẳng định rằng việc xác định giá trị của đất canh tác, khoáng sản, sông ngòi, đại dương, các cánh rừng và đa dạng sinh học, đồng thời trao quyền sở hữu, sẽ tạo ra động cơ đủ mạnh để khuyến khích các chính phủ, các ngành và các cá nhân quản lý các tài nguyên đó một cách hiệu quả, bền vững và toàn diện hơn.
WB ủng hộ mạnh mẽ việc đưa ngồn vốn tự nhiên vào hệ thống tài khoản quốc gia và sẽ tìm kiếm cam kết của các nước về vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20 chính thức khai mạc hôm nay.