Rio+20: Tương lai trong tầm tay bạn

ThienNhien.Net – Ngày 20/6 này, hơn 135 lãnh đạo nhà nước, chính phủ và khoảng 50.000 đại biểu là giám đốc doanh nghiệp và đại diện xã hội dân sự sẽ có mặt tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Phát triển Bền vững (Rio+20) tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Khác với quan điểm coi Rio chỉ là hội nghị của các nhà lãnh đạo, các nhân vật tên tuổi, thông qua chủ đề chính năm nay “Tương lai chúng ta muốn” (The Future We Want), Rio+20 muốn truyền tải tới mọi người thông điệp về một lộ trình xanh hướng đến tương lai bền vững có sự tham gia của cả cộng đồng.

Chỉ có thể là phát triển bền vững…

Có một nghịch lý là nhân loại nói chung đang sống và tiêu thụ các nguồn lực với mức độ nhiều gấp 5 lần sức cung của Trái đất, trong khi đó thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân đang phải sống trong thiên tai, đói nghèo, dịch bệnh.

Trong bối cảnh ấy, phát triển bền vững (PTBV) được xem là con đường duy nhất giúp nhân loại giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường mà hàng tỷ người đang phải đối mặt, bao gồm: mặt trái của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng thiếu an ninh năng lượng, khan hiếm nước, giá lương thực cao, tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và sự gia tăng về tần số xuất hiện cũng như tính khắc nghiệt của các thảm họa tự nhiên…

Ảnh minh họa: E-sustainability.info

Nền tảng của một tương lai PTBV biểu hiện qua những tiêu chí hết sức nhân văn như cung cấp lương thực cho hàng triệu người nghèo đói, tạo việc làm ổn định cho người dân, giúp họ được tiếp cận nước sạch, được hít thở bầu không khí trong lành hay dạo bộ trong một khu rừng tràn ngập sự sống…

Hơn thế, PTBV sẽ đảm bảo mọi phụ nữ đều có cơ hội công bằng và mọi trẻ em có thể được đến trường, được hưởng các điều kiện vệ sinh cơ bản, được lớn lên trong một môi trường xã hội toàn diện và được quyền hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

…với sự tham gia của tất cả chúng ta

Kêu gọi PTBV là thông điệp mà Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất (Rio) 20 năm trước đã đề ra. Không có tính ràng buộc về pháp lý, Hội nghị Rio chỉ mang tính khuyến khích, giúp các cá nhân, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và chính phủ có được những lựa chọn sáng suốt hơn, hiệu quả hơn góp phần cải thiện tình trạng nền kinh tế – xã hội mà không làm phá hủy hành tinh.

Rio chính là cơ hội tốt cho các nhà lãnh đạo thể hiện cam kết xây dựng một thế giới bền vững về cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời chọn ra những chính sách phù hợp vì con người, vì hành tinh tương lai. Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng đề xuất một lộ trình khoa học, hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững (SDG), từ đó bổ sung và củng cố các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Đặc biệt, Hội nghị Rio+20 được kỳ vọng sẽ trở thành nơi hội tụ những hành động thúc đẩy kinh tế xanh trong bối cảnh PTBV và xóa đói giảm nghèo, kêu gọi tập trung vào vấn đề tạo công ăn việc làm phù hợp, mỗi năm đưa gần 80 triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động; triển khai các kế hoạch bảo vệ xã hội, hòa nhập xã hội; tiếp cận năng lượng, sử dụng tiết kiệm và bền vững năng lượng; an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; quản lý hiệu quả nguồn nước; xây dựng các đô thị bền vững; bảo vệ và quản lý các đại dương; đồng thời không ngừng củng cố khả năng ứng phó và chuẩn bị ứng phó thiên tai, thảm họa.

Nêu cao chủ đề “Tương lai chúng ta muốn”, Rio lần này sẽ tiếp tục khẳng định mối liên hệ bền chặt giữa con người với con người, cho rằng mục tiêu, khát vọng và kết quả của Hội nghị phụ thuộc vào tất cả chúng ta, cho rằng tương lai đều do chúng ta và các thế hệ tương lai quyết định.

Tham gia Rio+20, các chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định khung thể chế nào là tốt nhất để đẩy mạnh các chương trình nghị sự về PTBV. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho xã hội dân sự và khu vực tư nhân tham gia và thể hiện vai trò của mình. Đổi lại, xã hội dân sự có thể đứng lên thúc đẩy các chính phủ đảm bảo tiếng nói của những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Bản thân các doanh nghiệp và các ngành kinh tế có thể đóng góp vào lộ trình phát triển bằng cách ứng dụng những loại hình công nghệ giúp thế giới thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, tạo ra được nhiều việc làm xanh và ảnh hưởng tích cực đến xã hội thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Và mỗi người dân đều có phần trách nhiệm đóng góp thông qua những hành động, việc làm dù là nhỏ nhất.