ThienNhien.Net – Hơn 5 năm với nhiều lần ra quyết định xử lý cùng nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát và cả cưỡng chế của chính quyền địa phương, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước tại Khu công nghiệp làng nghề Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vẫn ngày một nghiêm trọng.
Làng Mẹo, ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà là làng dệt lâu đời, nổi tiếng với các sản phẩm khăn dệt thủ công, được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Nghề dệt Phương La có cách đây hơn 800 năm và đang phát triển mạnh.
Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề xã Thái Phương vào mạng lưới các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và cho xây dựng đường giao thông từ đường 39 vào xã. Làng dệt Thái Phương vì vậy càng có thêm điều kiện phát triển tiềm năng vốn có. Nhiều hộ gia đình đã mở các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn như công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh, xí nghiệp dệt Hồng Quân…
Hiện tại, xã có hơn 2000 khung dệt, trên 2.800 máy quay sợi, máy đánh ống, máy đánh suốt và 20 doanh nghiệp chuyên đứng ra thu mua, tiêu thụ nguyên liệu cho cho các hộ sản xuất. Mỗi năm, làng nghề sản xuất ra trên 300 triệu chiếc khăn và hàng trăm triệu m2 vải các loại, đạt giá trị trên 130 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Đến làng nghề Phương La, ai cũng ngưỡng mộ trước những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau, đúng với cái tên người ta thường gọi “làng tỷ phú”. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng nạn ô nhiễm trầm trọng về không khí, tiếng ồn và nước thải.
Theo thống kê, mỗi năm nghề dệt ở Phương La sử dụng gần 10 tấn ôxy già, gần 100 tấn nhớt thuỷ tinh (Silicat Na2SiO2), hàng chục tấn xà phòng và để có được sản phẩm hoàn chỉnh tiêu thụ trên thị trường, phải trải qua 2 lần nấu tẩy (tẩy sợi và tẩy tấm).
Điều đáng nói, tất cả các công đoạn này đều được làm thủ công nên rất độc hại và gây ô nhiễm môi trường. Vào mùa nóng và sau mỗi trận mưa, mùi ô nhiễm bốc lên rất khó chịu. Nguy hại nhất là nguồn nước sinh hoạt ở đây không đảm bảo. Nhiều nhà 4- 5 lần đào giếng mà vẫn không thể sử dụng được nước vì ô nhiễm mạch ngầm.
Qua kết quả xét nghiệm mới nhất của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh về nước thải, hàm lượng chất rắn lửng, ôxy hóa, sulfua vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 3- 10 lần. Ô nhiễm môi trường làng nghề đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
Các hóa chất, nguyên vật liệu được sử dụng trong làng nghề rất độc hại và là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh các bệnh đường ruột, tiêu hóa, ngoài da, viêm phổi. Thống kê của trạm y tế xã, tỷ lệ người mắc bệnh viêm phổi, mắt hột, bệnh ngoài da, tiêu hóa ở Thái Phương cao gấp 4- 5 lần so với những xã khác.
Một số diện tích lúa của bà con gieo cấy ở đây mắc chứng bệnh “trẻ mãi không già”. Cây lúa chỉ phát triển xanh tốt nhưng không làm đòng, trổ bông…
Năm 2007, nhân dân các thôn Phương La 3, Xuân La nhiều lần tổ chức đắp đập ngăn dòng chảy của sông Tân Việt và các nhánh sông dẫn từ cụm công nghiệp ra sông Tân Việt. Nhân dân xã Trác Dương cũng đắp đập ngăn nước thải tràn về diện tích đất canh tác và khu dân cư của địa bàn thôn mình.
Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có các quyết định về việc tạm đình chỉ hoạt động nấu, giặt, tẩy nhuộm phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động, có 3 doanh nghiệp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng và được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn CBA, xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành, công ty Minh Tâm.
Tuy nhiên, năm 2011, trong Báo cáo đề xuất của Ủy ban nhân dân Xã Thái Phương khẳng định, công ty TNHH CBA và xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, qua nhiều lần lấy mẫu thử nghiệm đều đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường và được cấp giấy phép hoạt động trở lại. Nhưng hai công ty này chưa có cửa xả thải riêng để các cơ quan chức năng và cộng đồng giám sát.
Công ty Minh Tâm chưa được cấp phép hoạt động trở lại vẫn tiếp tục hoạt động. Các cơ sở hộ gia đình, khi bị chính quyền địa phương lập biên bản, quyết định đình chỉ đã di chuyển máy móc thiết bị nấu, giặt, tẩy, nhuộm và sau đó vẫn ngang nhiên quay trở về cụm công nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Như vậy, có thể nhận thấy, hầu như tất cả các doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất trên địa bàn xã Thái Phương đều đã và đang tìm cách “lách” quyết định. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp và hộ gia đình vận hành đúng quy trình xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam thì họ sẽ phải bù lỗ không nhỏ cho hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm của mình.
Trong tình hình hiện nay, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp và tổ, hộ gia đình không có khả năng xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả với doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải như 3 doanh nghiệp CBA, Nam Thành và Minh Tâm cũng không chấp hành nghiêm túc việc này.
Khi lấy mẫu nước xét nghiệm thì đạt tiêu chuẩn, nhưng sau đó để giảm chi phí, doanh nghiệp lại giảm lượng hoá chất xử lý nước thải, mà chủ yếu sử dụng bằng hình thức sục khí, cắt nguồn điện không vận hành liên tục, nên vẫn gây ô nhiễm môi trường…
Cụ thể, tháng 1/2012, các ngành chức năng đã lấy mẫu nước thải đem đi phân tích, trong đó có các mẫu nước ở doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải; kết quả phân tích gửi về huyện ngày 25/2/2012 cho thấy, trong 13 thông số phân tích có tới 5 thông số quan trọng vượt chỉ tiêu cho phép từ 1,5- 57 lần so với quy chuẩn Việt Nam, nồng độ ô nhiễm quá cao.
Chưa kể, lượng nước thải của số hộ gia đình nằm xen trong khu dân cư có các lò nấu, tẩy, nhuộm nhỏ vẫn “lén lút” hoạt động và xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.
Năm 2010, dù đã được chính quyền huyện Hưng Hà giao quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn nước thải gây ô nhiễm, nhưng việc tịch thu các phương tiện gây ô nhiễm có giá trị lớn lại vượt quá quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã.
Vì thế, từ đây đã nảy sinh tâm lý coi thường quyết định của chính quyền cơ sở. Một số hộ sản xuất đã bị Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, nhưng không chấp hành. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định cưỡng chế, nhưng các hộ này đã tự ý phá xích cổng, cửa và niêm phong cưỡng chế để hoạt động trở lại. Có hộ còn chuyển sang hoạt động vào ban đêm.
Trong cuộc họp mới đây tại huyện Hưng Hà, Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình đã đề nghị các biện pháp xử lý đối với 8 cơ sở sản xuất dệt nhuộm ở Thái Phương không thực hiện quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện Hưng Hà hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép hoạt động trở lại nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục triệt để các vi phạm về đất đai, môi trường.
Cụ thể là, yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn CBA, xí nghiệp dệt may Nam Thành thực hiện lắp đặt đường ống thoát nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường xả vào sông Tân Việt. Tại điểm xả nước thải này phải xây hố ga và có sự thống nhất của Ủy ban nhân dân xã, bảo đảm thuận tiện cho kiểm tra, giám sát của nhân dân và cơ quan chức năng; áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện đối với 6 cơ sở không thực hiện dừng hoạt động nấu giặt tẩy nhuộm, phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường, cho đến khi các cơ sở này thu dỡ triệt để các thiết bị hoặc hệ thống nấu giặt tẩy nhuộm và phải thực hiện nghiêm túc cam kết không tái phạm với Ủy ban nhân dân xã và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện Hưng Hà vận động nhân dân thôn Phương La 3 thực hiện thu dỡ bờ đắp ngăn dòng chảy sông đồng Buộm để lưu thông dòng chảy, tránh gây ứ đọng, ngập úng ảnh hưởng đến ruộng canh tác và ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Mới đây nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có các quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với 6 cơ sở sản xuất hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm gây ô nhiễm môi trường, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn CBA, công ty trách nhiệm hữu hạn dệt may in nhuộm Lương Ngọc, hộ ông Đỗ Văn Thà, thôn Phương La 3…
Như vậy, lại thêm một lần ra quyết định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận bài học từ việc thực hiện và triển khai các quyết định trước đó, có thể thấy việc giải bài toán giữa lợi ích kinh tế và vấn đề ô nhiễm môi trường chung không thể chỉ đơn giản bằng các quyết định hay các biện pháp cưỡng chế mà cần có giải pháp hiệu quả về lâu dài.
Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thái Phương, cần một đề án mở rộng cụm công nghiệp, di chuyển cơ sở dệt nhuộm và quy hoạch khu xử lý môi trường ngay từ đầu để tránh tình trạng ô nhiễm ngay tại khu dân cư như hiện nay; tiến hành lập dự án xử lý nước thải tập trung, trước mắt xử lý cho cụm công nghiệp, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.