Kỳ 2: Tận diệt thủy sản
ThienNhien.Net – Rời “xóm nổi” neo người dưới chân cầu Nông Tiến chúng tôi ngược dòng Lô lên sông Gâm đoạn qua huyện Na Hang (Tuyên Quang). Tại đây chúng tôi đã được nghe và chứng kiến những câu chuyện khó tin nhưng có thật đang diễn ra ở lưu vực sông này.
Không ít người làm nghề chài lưới trên sông Gâm còn nhớ như in những mẻ lưới thu cả tạ cá, trong đó cá cá chiên, cá lăng nặng vài chục cân, còn các loài cá quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam hiện nay thì vô kể. Nhưng nay, tất cả chỉ còn trong ký ức. Để xảy ra sự thật đáng buồn này chính là do con người đã mặc sức khai thác thủy sản bằng cách “tận diệt” như kích điện, vó đèn, …
Ngược dòng kí ức
Ngược dòng Lô – Gâm lên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với nhiều người từng được mệnh danh là “rái cá” miền sơn cước bởi lẽ họ là những người “săn” được nhiều cá quý hiếm và lớn nhất vùng.
Con thuyền lướt nhẹ trên sông Lô ngược về phía thượng nguồn qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) rồi lên xã Thanh Tương (Na Hang), chúng tôi may mắn gặp dược một cư dân cao tuổi đang quăng chài ven sông, ngay lập tức chúng tôi tấp thuyền vào bờ trò chuyện.
Người quăng chài hào sảng chia sẻ như thách đố: “Nếu muốn tìm hiểu về cá quý ở sông Gâm thì phải lên cách đây 15 năm nay ra còn gặp cá to, chứ bây giờ các chú nhìn đây” – Người quăng chài tự giới thiệu mình tên là Vũ Văn Thái, 59 tuổi, mở nắp chiếc giỏ đựng cá cho chúng tôi xem, thành quả mà ông quăng chài gần như cả buổi chỉ vài con cá nhỏ.
Ông Thái chỉ tay về phía bụi tre già, nơi có gốc sung cổ thụ có bộ rễ khổng lồ sát mép nước sông rồi vắt chài qua vai mà trầm ngâm: “Ngày xưa không cần dùng chài hay lưới đánh cá, chỉ tay không mò vào các hang hốc dưới gốc sung một lúc lá cá anh vũ, cá rầm xanh ăn mấy bữa không hết. Nếu muốn bắt cá to vài chục ký thì đan giọ, thả lưới. Hồi ấy cá nhiều vô kể, bán không ai mua”.
Như gặp được những người bạn tri ân cùng tâm sự về sự suy giảm của không ít loài cá quý hiếm ở sông Gâm, ông Thái ngồi bệt xuống bãi cát, khua chân, múa tay với giọng kể hừng hực khí thế nhưng ẩn chứa bao điều nuối tiếc: “Cũng chính tại khúc sông này, khi gia đình tôi mới chuyển từ miền xuôi lên đây, cuộc sống chủ yếu là dựa vào nguồn cá. Cách nay chứng 15 năm, độ tháng 4, tháng 5 âm lịch khi những con nước mới đổ về các loài cá vào mùa đẻ trứng chúng vờn nhau rung động cả khúc sông. Ngày ấy bắt cá ở sông còn dễ hơn cả bắt cá trong ao tù nhà mình bây giờ”.
Chúng tôi chia tay ông Thái khi mặt trời đã lên cao, ông Thái lại tiếp tục quăng và kéo về những lần chài nặng trĩu như tấm lòng của ông đối với những loài cá quý ở khúc sông này. Cũng trong hành trình ngược sông ấy chúng tôi đã gặp nhiều người đánh bắt cá nhỏ lẻ hỏi chuyện thì ai cũng tỏ vẻ tiếc nuối về một thời đã qua, ký ức đáng buồn ấy không ai muốn nhắc lại. Nhưng ngạc nhiên thay, khi chúng tôi có mặt tại thị trấn Na Hang (Na Hang) được chứng kiến và nghe kể về cách đánh bắt thủy sản “tàn khốc” để cướp đi miếng cơm manh áo của bao người.
Đó là, khi các cấp, ngành huyện Na Hang đã và đang tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương thì nhiều người dân, với lợi ích trước mắt không sử dụng cách đánh bắt cá thông thường mà sử dụng các loại xung kích điện vó đèn… Được biết, không riêng gì huyện Na Hang mới xảy ra tình trạng đánh cá theo cách “tận diệt” mà ở một số xã của huyện Lâm Bình như khu vực xã Phúc Yên, xã Khuôn Hà tiếp giáp với xã Thượng Tân huyện Bắc Mê (Hà Giang) cũng xảy ra hiện tượng tương tự.
“Tận diệt” cho… cạn kiệt
Để tìm hiểu về những gì đã được mắt thấy tai nghe, chúng tôi có mặt tại vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cả ngày lẫn đêm chúng tôi đã được chứng kiến hình ảnh một số người ngang nhiên dùng kích điện để “tận diệt” thủy sinh. Người đứng trên thuyền tay trái cầm sào có dây điện dí xuống mặt nước, tất thảy cá lớn, bé thuyền đi đến đâu cá nổi phơi bụng trắng và nhanh chóng các tay kích dùng vợt hất vào khoang thuyền.
Còn khi đêm đến chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi ánh điện sáng choang như thành phố trên mặt nước. Qua tìm hiểu được biết, đó là ánh đèn cao áp nhử cá vào vó của cư dân địa phương, ánh đèn được trong cho đến gần sáng, khi ấy chủ vó đèn chỉ cần nhấc vó lên có thể thu vài tạ cá lớn nhỏ mỗi đêm.
Theo người lái thuyền đưa chúng tôi mục sở thị các vó đèn thì: Các loại kích điện có khả năng sát thương cao, chỉ cần đưa hai chiếc cần tre mà trên nó có gắn các thiết bị được đấu nối với bộ xung kích điện xuống dòng nước toàn bộ tôm cá trong bán kính từ 8 đến 10 mét đều chết. Các loại xung kích điện chủ yếu do Trung Quốc sản xuất bao gồm các loại máy 48 bóng, 60 bóng, máy nổ và củ điện với giá thành trung bình từ 3 – 8 triệu đồng/bộ. Một máy kích điện có thể kích dòng điện từ bình ắc quy 12V lên đến con số tối đa 300V…
Nói về tình trạng khai thác thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang: Chị Nguyễn Thị Mến, quyền trưởng phòng nông nghiệp huyện Na Hang: “Năm 2011, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành rỡ bỏ hơn 40 vó đèn đánh cá, nhưng nhiều hộ dân có vó bị dỡ hôm trước, chỉ cần qua một đêm lại có vó mới. Vì lợi nhuận thu được rất lớn nên họ sẵn sàng xây dựng lại vó nếu bị phá, ngoài ra người dân dùng kích điện công suất lớn đánh bắt, sự việc này không những tận diệt cá mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của con người”.
Cũng theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2011, các ngành chức năng đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra, truy quét trên khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang về việc đánh bắt. Đoàn kiểm tra liên ngành đã thu giữ gần 40 bộ kích điện, thu giữ và phá hủy nhiều phương tiện khác.
Trước thực trạng trên huyện Na Hang đã tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm các quy định của nhà nước trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sự cần thiết của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái cho các địa phương. Tuy nhiên đến thời điểm này hiện tượng trên vẫn chưa hề thuyên giảm.