ThienNhien.Net – Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan hướng dẫn, xử lý ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật thuế bảo vệ môi trường và pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Không thu thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông sản xuất, nhập khẩu có đủ căn cứ chứng minh thân thiện môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011, có trách nhiệm ban hành trước ngày 31/7/2012 quy định về túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường thuộc diện không chịu thuế bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong khi văn bản hướng dẫn trên chưa ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với Bộ Tài chính xử lý ngay việc không thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông sản xuất, nhập khẩu mà doanh nghiệp có đủ căn cứ chứng minh được và bảo đảm tương ứng với các sản phẩm đã được nước ngoài quy định là “thân thiện với môi trường”.
Một số vướng mắc khi thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Luật thuế Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012.
Để hướng dẫn thực hiện Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 về Biểu mức thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 quy định chi tiết thi hành Luật thuế Bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2011/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo thông tin Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, có một số vướng mắc khi thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông.
Cụ thể như do khái niệm về bao bì rất rộng nên có những cách hiểu khác nhau và dẫn đến một số vướng mắc, kiến nghị. Thực tế việc phân biệt về túi hay bao bì của các cơ quan chuyên ngành cũng là tương đối. Về túi ni lông thì cơ bản nhận biết được thông qua hình dạng túi, bao gồm cả cuộn ni lông chứa nhiều túi ni lông (sử dụng chủ yếu tại các siêu thị). Song về bao bì, thực tế thường có cả các loại như bao xi măng, phân đạm có lớp màng nhựa HDPE, LDPE tách riêng; bao mì tôm, cà phê… được gắn liền với lớp màng nhựa khác (PP, PVC…). Màng ni lông, cuộn ni lông dạng ống có thể là vật liệu để sản xuất ra túi, bao bì; nếu thu thuế đối với màng ni lông, cuộn ni lông dạng ống thì khi doanh nghiệp mua màng ni lông, ống ni lông về sản xuất túi ni lông cũng phải nộp thuế và sẽ dẫn đến thu trùng thuế bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tại Luật và Nghị định quy định, túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính thuế đối với túi ni lông đa lớp.
Túi ni lông đa lớp là loại túi được sản xuất (ghép) từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE (thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường) với các màng nhựa đơn (PP, PA…), hoặc ghép với các lớp giấy, nhôm… (không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường) nên có vướng mắc trong việc thực hiện thu thuế đối với các dạng túi ni lông đa lớp. Các loại túi này thường được sử dụng đóng gói hàng hóa (thực phẩm, chè, cà phê, bánh kẹo…).