ThienNhien.Net – Hiện tượng biển xâm thực đất liền ngày một diễn ra nghiêm trọng trên các địa bàn từ TP. Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã và đang “nuốt” hàng nghìn mét đất ven biển, trong khi tỉnh vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục tận gốc.
Biển “ăn” đất liền
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có mặt ở địa điểm cũ của Đồn Biên phòng Phước Thuận, ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc – nơi đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hiện tượng biển xâm thực. Nước biển đã ăn sâu vào đất liền, sóng đánh làm mất chân một nửa căn nhà của cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng. Những lúc thủy triều lên, nước biển tràn vào hết phần sân, mặc dù cách đây 1 năm, Đồn đã phải dời lên vị trí cao hơn cách đó khoảng 300m.
Trước năm 2002, phía trước Đồn Biên phòng Phước Thuận còn có một ao cá và một vườn dừa trải dài ra tới mép biển rộng khoảng 200m. Thế nhưng đến cuối năm 2003 – 2004, vườn dừa và ao nuôi cá đã hoàn toàn biến mất, hòa vào với biển xanh. Cuối năm 2011 vừa qua, Đồn đã bị sóng biển đánh sập một nửa căn nhà và khi thủy triều lên, nước ngập lênh láng trong sân. Con đường dẫn vào Đồn và hàng dương hai bên giờ cũng đã bị mất, dấu tích để lại là những gốc dương nằm vương vãi trên bãi cát phía trước Đồn.
Cách Đồn Biên Phòng Phước Thuận khoảng 200m về phía tỉnh Bình Thuận, trước đây cũng có ụ pháo và một trại nuôi tôm, nhưng giờ ụ pháo và trại nuôi tôm cũng bị sóng biển “xóa sổ”, chỉ còn đống gạch, bê tông nằm lẫn lộn trong cát. Gần dấu tích của trại nuôi tôm cũ còn một doi đá dài gần 150m nhô ra biển. Người dân ở đây cho biết vào những năm 2000, đất liền còn nhô ra dài bằng doi đá đó.
Ngay cạnh Đồn Biên phòng Phước Thuận là Bãi tắm Thanh Thanh, những năm qua cũng bị ảnh hưởng nặng bởi hiện tượng xâm thực, làm giảm 50% doanh thu và tốn nhiều chi phí làm bờ kè. Ông Mai Văn Ba, chủ bãi tắm, cho hay: Hàng năm, doanh nghiệp phải chi khoảng 30 triệu đồng để làm bờ kè tạm bằng tôn, song đây chỉ là giải pháp tạm thời. Cứ vào tháng 11, 12, hiện tượng xâm thực diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn. Trung bình mỗi năm, nước biển xâm thực vào đất liền ở khu vực này khoảng từ 5 – 6m, có năm biển “ăn” vào khoảng gần 10m. Nghiêm trọng nhất là cuối năm 2011 vừa qua, biển xâm thực khiến cả khu nhà chòi, ghế bố của Bãi tắm Thanh Thanh ngập trong nước biển, buộc phải đổ đất tôn nền nhà chòi lên cao, nhưng khi thủy triều lên, căn nhà chòi vẫn bị ngập trong nước biển.
Ấp Bến Cát của xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cũng là nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này. Khu du lịch Hồng Hà thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Hồng Hà, ấp Bến Cát cũng không thoát khỏi tình trạng biển xâm thực. Lãnh đạo Khu du lịch cho biết chỉ trong một đêm, sóng biển đã “xóa sổ” dãy nhà với 6 phòng ngủ Vip, 1 căn nhà gỗ, 3 căn chòi bằng bê tông và toàn bộ hàng rào bê tông, gây tổn thất 2,5 tỷ đồng.
Theo ông Phan Hưng, Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Hồng Hà, trung bình mỗi năm, biển xâm thực vào khu vực này từ 5 – 6m. Năm 2008, phía trước khu nhà Văn phòng Khu du lịch có một rừng dương với 8.000 cây, nhưng nước biển đã ”nuốt” dần, “nuốt” mòn. Đến đầu năm 2012, toàn bộ dấu tích của các hàng dương đã mất. Theo tính toán của ông Hưng, từ khi đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay, Khu du lịch đã mất khoảng 5 sào đất do hiện tượng xâm thực xảy ra hàng năm.
Mới có giải pháp tình thế
Thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ rõ từ mũi Nghinh Phong (TP. Vũng Tàu) đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có 6 khu vực bị xói lở và bồi đắp mạnh. Đó là bãi Thùy Vân, Paradise, Cửa Lấp, Lộc An, Hồ Tràm và Bình Châu. Mùa gió chướng tháng 11 và 12, những con sóng lớn đánh vào bờ gây sạt lở cho cả vùng bờ dài khoảng 20km trong tổng số hơn 100km đường bờ biển ven bờ của tỉnh.
Hiện nay, biện pháp nhằm hạn chế hiện tượng xâm thực là các khu du lịch phải tự xây bờ kè chắn sóng. Tuy vậy, theo ông Phan Hưng, nếu xây bờ kè dài 200m để chắn sóng phải tốn chi phí khoảng 4 tỷ đồng nên không thể lo nổi trong một sớm một chiều. Mặt khác, nếu các khu du lịch “mạnh ai nấy xây” chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực ven biển. Đặc biệt, việc xây dựng bờ kè không đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến các khu du lịch kề bên chưa xây càng bị xâm thực nặng hơn.
Từ tháng 7/2005, Đề án chống xói lở biển bằng công nghệ Stabiplage của Pháp đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thí điểm tại cửa biển Lộc An, với mục tiêu chống xói lở bờ biển trên chiều dài 500m, bít cửa đã mở, tái lập Profin tự nhiên nhằm bảo vệ khu đầm phá bên trong, khu vực dân cư, khu du lịch, con đường ven biển đối diện với cửa mở…
Qua thử nghiệm cho thấy, công nghệ này đã bít được các cửa mở, chặn đứng xói lở, đồng thời phục hồi lại bãi cát và tiến ra phía biển một cách tự nhiên, trung bình khoảng 25 – 30m, có nơi từ 60 – 70m. Ngoài ra, bãi cát được bồi tụ, nâng cao và trải dài, ước tính khoảng 30.000 – 40.000m2 bãi cát được bảo vệ ổn định với lượng cát tích tụ tự nhiên 145.000 – 150.000m3. Nhưng để áp dụng được công nghệ này trên toàn tuyến bờ biển của tỉnh đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên chưa thể áp dụng rộng rãi ở các khu vực bị xói lở khác. Trước mắt, để hạn chế hiện tượng xâm thực, UBND tỉnh đã có chủ trương dừng việc nạo vét tại Cửa Lấp.
Trong khi chưa có biện pháp khả thi ngăn chặn hiện tượng xói lở bờ biển, các ngành và các cấp chính quyền ở Bà Rịa – Vũng Tàu cần quản lý chặt chẽ hoạt động nạo vét, hút cát ở các cửa sông, cửa biển; đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt rừng và đồi cát phòng hộ dọc bờ biển nhằm tránh hiện tượng ngăn được chỗ này nhưng lại gây xâm thực mạnh ở chỗ khác.