ThienNhien.Net – Sử dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, hạn chế tàn phá thiên nhiên là điều cấp thiết với ngành xây dựng, nên trong thời gian gần đây, cụm từ “vật liệu xanh” (VLX) đang ngày càng quen thuộc.
Theo báo Tài nguyên và Môi trường điện tử ngày 09/06/2012, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục sản xuất, sử dụng nhiều hơn nữa xi măng và bê tông trong một vài thập niên tiếp theo nhằm mục tiêu đô thị hóa, công nghiệp hóa do sức ép tăng dân số và phát triển kinh tế. Để giảm thiểu năng lượng tiêu tốn và ô nhiễm môi trường, loại xi măng “xanh” với sự phối hợp hợp lý giữa các thành phần của xi măng truyền thống với các loại vật liệu khác như oxít magiê hay các loại thải phẩm công nghiệp (tro bay nhiệt điện, tro trấu, mêta cao lanh, muội silíc, xỉ lò cao…) là một lựa chọn tốt.
Lượng chất thải phát ra từ sinh hoạt và các ngành công nghiệp đang là gánh nặng đối với môi trường sống nhưng trong số các chất thải đó, khoảng 14 chất thải rắn và lỏng hoàn toàn có thể tái sử dụng có hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng như: chất thải phá dỡ từ các công trình xây dựng; chất thải kim loại, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, chất thải từ các nhà máy luyện thép, chất thải thủy tinh, chất thải lốp xe, chất thải bao bì nhựa, chất thải từ mặt đường cũ, chất thải trong khai thác các loại cốt liệu, chất thải vỏ trấu, dầu thải các loại… Nếu tận dụng triệt để sẽ giảm thiểu đáng kể lượng vật liệu khai thác từ thiên nhiên.
Một giải pháp cho VLX nữa là áp dụng công nghệ nano giúp nâng cao các đặc tính của vật liệu lên rất nhiều. Vật liệu chất kết dính xi măng, dưới phân tích và mô hình của cấu trúc nano, cho phép đưa ra các giải pháp nâng cao được triệt để độ đặc của phần đá xi măng. Từ đó cho ra đời các thế hệ bê tông xi măng có chất lượng đặc biệt cao, cao hơn từ 10 đến 50 lần các thế hệ bê tông truyền thống. Bê tông khô ra đời, cho phép áp dụng công nghệ thi công đầm lăn, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và tiêu tốn năng lượng so với công nghệ đầm nén.
Ngoài ra, vật liệu thép xây dựng dần được thay thế bằng các thế hệ vật liệu thép hay các hợp kim thép chất lượng cao, có giới hạn bền tốt hơn, dẻo hơn, dai hơn, thích ứng với công nghệ hàn hơn, cho phép giảm thiểu được lượng vật liệu và năng lượng tiêu tốn.
Tuy còn khó khăn về vốn và nguồn lực nhưng việc sử dụng VLX là bước đi đúng đắn để để hướng tới các giải pháp xây dựng bền vững, bảo vệ môi trường.